Tôi muốn mở một công tại HN làm về tư vấn môi trường và định liên kết với mọt công ty trong miền Nam theo hình thức liên danh hoặc hợp danh hoặc nhượng quyền để có thẻ sử dụng các mô hình và kinh nghiệm của cty trong Miền Nam cho công ty ngoài Bắc trong các hợp đồng tư vấn. Vậy tôi muốn hỏi theo hình thức nào thì phù hợp trong 3 hình thức trên.
>> Thù lao của thành viên Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần
>> Thủ tục chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn thành Công ty cổ phần
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Thành lập công ty hợp danh:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu công ty (gọi là thành viên hợp danh) và thành viên hợp danh bắt buộc phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 175 Luật Doanh nghiệp 2014 thì thành viên hợp danh bị hạn chế đối với các quyền sau:
- Thành viên hợp danh KHÔNG được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại;
- Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
Chị xem chi tiết tại công việc: Đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Nhượng quyền thương mại:
Theo quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005 thì Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP và Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP thì bên nhượng quyền và bên nhận quyền bắt buộc phải là thương nhân, đồng thời bên nhượng quyền phải có hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.
Vì vậy, nếu việc cung ứng dịch vụ tư vấn về môi trường của công ty trong miền Nam đã hoạt động được ít nhất 01 năm thì chị có thể thành lập công ty ở Hà Nội, sau đó hai bên sẽ ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại. Việc nhượng quyền không phải làm thủ tục đăng ký theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP. Đồng thời, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định chi tiết từ Điều 284 đến Điều 291 Luật Thương mại 2005.
Ngoài ra, chị có thể xem thêm bài viết: Quy trình thành lập một doanh nghiệp.
Hình thức liên danh:
Không rõ chị muốn tìm hiểu về hình thức liên danh hay là liên doanh?
- Về thuật ngữ pháp lý “Liên danh”: Đây là thuật ngữ dùng trong lĩnh vực đấu thầu, quy định cụ thể tại Luật Đấu thầu 2013, theo đó Liên danh nhà thầu là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp đứng tên để cùng nhau dự thầu dưới tư cách là nhà thầu liên danh và thực hiện gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án theo hồ sơ mời thầu. Do đó, thuật ngữ "liên danh" không được sử dụng trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.
- Về thuật ngữ pháp lý “Liên doanh”: Thuật ngữ này không được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, có thể hiểu liên doanh là hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thông thường do một bên là nhà đầu tư Việt Nam và một bên là nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư 2014.
Vì vậy, chị và Công ty trong miền Nam không thể thành lập một công ty mới dưới hình thức “liên danh” hoặc “liên doanh” được.
Tóm lại, trường hợp chị muốn liên kết với công ty trong miền Nam để sử dụng các mô hình và kinh nghiệm của công ty đó để cung cấp dịch vụ tư vấn về môi trường thì có thể lựa chọn hình thức thành lập công ty hợp danh hoặc ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trường hợp thành lập công ty hợp danh, chị cần lưu ý đến những hạn chế của thành viên hợp danh; trường hợp ký hợp đồng nhượng quyền thương mại chị cần lưu ý về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
Chị có thể tham khảo thêm bài viết: Một số công việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp (mới nhất).
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!