Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế nào? Thương nhân phân phối xăng dầu được quyết định giá bán lẻ xăng dầu không? Điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu là gì?
>> 8 công việc nào cần làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp?
>> Vốn điều lệ là gì? Khai khống vốn điều lệ bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP), quy định nguyên tắc điều hành giá bán xăng dầu.
Nguyên tắc điều hành giá bán xăng dầu
1. Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
Như vậy, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
File Word Luật Giá và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 |
Nguyên tắc điều hành giá bán xăng dầu (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP), quy định như sau:
Nguyên tắc điều hành giá bán xăng dầu
…
2. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp.
Như vậy, căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình.
Lưu ý:
- Việc quyết định giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
- Thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp.
Căn cứ Điều 13 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP, khoản 3 Điều 1 Nghị định 80/2023/NĐ-CP), thương nhân có đủ các điều kiện dưới đây được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu:
(i) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.
(ii) Có kho, bể dung tích tối thiểu hai nghìn mét khối (2.000 m3), thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 05 năm trở lên
(iii) Có phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm 05 trở lên.
(iv) Có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu của thương nhân hoặc thuê của tổ chức có phòng thử nghiệm đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm theo quy định.
(v) Có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, bao gồm tối thiểu 05 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 05 năm trở lên, trong đó có ít nhất ba 03 cửa hàng thuộc sở hữu.
Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc các đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 20 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP, khoản 8 Điều 1 Nghị định 80/2023/NĐ-CP).
(vi) Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.