Giao dịch bị cấm và giao dịch có điều kiện trong công ty đại chúng được quy định như thế nào? Công ty đại chúng cần làm gì khi phát sinh giao dịch với người có liên quan?
>> Nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán phái sinh thế nào cho đúng?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 293 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông thuộc các trường hợp sau:
(i) Là cá nhân và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, trừ trường hợp công ty đại chúng là tổ chức tín dụng.
(ii) Là tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, trừ các trường hợp sau đây:
- Công ty đại chúng là tổ chức tín dụng.
- Cổ đông là công ty con trong trường hợp công ty con là công ty không có cổ phần, phần vốn góp nhà nước nắm giữ và đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần của công ty đại chúng trước ngày 01/7/2025.
(iii) Người có liên quan của cổ đông là tổ chức, trừ các trường hợp sau đây:
- Công ty đại chúng là tổ chức tín dụng.
- Công ty đại chúng và tổ chức là người có liên quan của cổ đông là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và giao dịch này phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua theo quy định tại Điều lệ công ty.
- Trường hợp pháp luật có quy định khác.
Căn cứ khoản 4, khoản 5 Điều 293 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, công ty đại chúng chỉ được thực hiện các giao dịch sau đây khi đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận:
(i) Cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác không phải là cổ đông và những cá nhân, tổ chức có liên quan của các đối tượng này.
Trường hợp cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho tổ chức có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác mà công ty đại chúng và tổ chức đó là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế, Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua theo quy định tại Điều lệ công ty.
(ii) Giao dịch có giá trị từ 35% trở lên hoặc giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch phát sinh trong vòng 12 tháng kể từ ngày thực hiện giao dịch đầu tiên có giá trị từ 35% trở lên tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty giữa công ty đại chúng với một trong các đối tượng sau:
- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác và người có liên quan của các đối tượng này.
- Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng vốn cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ.
- Doanh nghiệp có liên quan đến các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 164 Luật Doanh nghiệp 2020.
(iii) Hợp đồng, giao dịch vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.
Lưu ý: Đối với các hợp đồng, giao dịch tại khoản (ii) Mục này có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty sẽ do Hội đồng quản trị chấp thuận.
Toàn văn Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 |
Giao dịch bị cấm thực hiện và giao dịch có điều kiện trong công ty đại chúng
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 292 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, khi tiến hành giao dịch với người có liên quan, công ty đại chúng cần phải:
(i) Ký kết hợp đồng bằng văn bản theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện.
(ii) Áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cổ đông và những người có liên quan tiến hành các giao dịch làm thất thoát vốn, tài sản hoặc các nguồn lực khác của công ty.