Trường hợp doanh nghiệp đăng ký số vốn điều lệ cao hơn số vốn thực góp thì sẽ bị xử lý như thế nào? Có cách nào khắc phục vấn đề này hay không? Tâm An (Lâm Đồng).
>> Các trường hợp doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự?
>> Doanh nghiệp chế xuất được hưởng những ưu đãi gì?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Thực tế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ lớn để thực hiện các mục đích kêu gọi đầu tư hoặc thể hiện năng lực tài chính với đối tác, nhưng vốn thực góp lại thấp hơn rất nhiều vốn điều lệ đã đăng ký.
Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp có hành vi vi phạm về kê khai vốn điều lệ phải chịu mức xử phạt sau đây:
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
- Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
- Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh do không kê khai đúng số vốn điều lệ theo quy định.
Khi số vốn điều lệ mà doanh nghiệp đăng ký cao hơn vốn thực góp thì tùy vào tình hình thực tế mà doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn một trong các biện pháp khắc phục sau đây:
(1) Góp đủ số vốn mà doanh nghiệp đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì chủ thể góp vốn phải góp vốn cho doanh nghiệp đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thời hạn góp vốn với từng loại hình doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản (khoản 2 điều 47 và khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Đối với công ty cổ phần: các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn (khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Đối với công ty hợp danh: Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp vốn đúng thời hạn đã cam kết (khoản 1 Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020).
Như vậy, trong thời hạn kể trên, doanh nghiệp có thể yêu cầu các chủ thể góp vốn góp đủ và đúng loại tài sản đã cam kết để tránh trường hợp vốn điều lệ đã đăng ký cao hơn số vốn thực góp.
(2) Thực hiện đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi hết thời hạn nêu tại mục (1) mà doanh nghiệp chưa huy động đủ số vốn điều lệ hoặc thành viên không có khả năng góp đủ số vốn đã cam kết thì đối với từng loại hình doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ. Thời hạn đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ với từng doanh nghiệp tương ứng là:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ (khoản 3 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020);
- Công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên: 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ (khoản 4 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020);
- Công ty cổ phần: 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua (điểm d khoản 3 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020)
Vốn điều lệ là một nội dung được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, do vậy, khi thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh (khoản 1 Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2020).
Vậy, trong thời hạn kể trên doanh nghiệp có thể đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để điều chỉnh vốn điều lệ.
Lưu ý: Hết thời hạn kể trên mà doanh nghiệp mới thực hiện việc đăng ký để điều chỉnh vốn điều lệ thì có thể sẽ bị xử phạt về vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với mức phạt được quy định tại Điều 44 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
- Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm quá thời hạn từ 01 ngày đến 10 ngày.
- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quá thời hạn từ 11 ngày đến 30 ngày.
- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quá thời hạn từ 31 ngày đến 90 ngày.
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quá thời hạn từ 91 ngày trở lên.