Công ty tôi có người lao động nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, có cả trường hợp tự ý nghỉ việc. Vậy chúng tôi cần xử lý thế nào? - Hồng Minh (Đồng Nai).
>> Có cần phải xin cấp mới giấy phép khi cho thuê lại lao động nước ngoài không?
>> Xin cấp giấy phép lao động tại chi nhánh đang làm việc có được không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục báo giảm lao động, để tháng đó, doanh nghiệp và người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Thủ tục báo giảm lao động được thực hiện theo hướng dẫn tại Mục I.1.3 Phụ lục Quyết định 896/QĐ-BHXH như sau:
Thành phần hồ sơ để làm thủ tục báo giảm lao động như sau:
01 bộ hồ sơ để làm thủ tục báo giảm lao động bao gồm:
- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo Mẫu D02-LT ban hành kèm theo Quyết định 1040/QĐ-BHXH.
- Bảng kê thông tin theo Mẫu 01-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH.
Cách thức thực hiện thủ tục báo giảm lao động
- Thực hiện trực tuyến: Doanh nghiệp lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN hoặc qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
- Bưu điện: Doanh nghiệp gửi hồ sơ trên đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
- Nộp trực tiếp: Doanh nghiệp nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH cấp huyện nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp.
Thời hạn giải quyết: 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
>> Xem thêm công việc và bài viết liên quan:
>> Hướng dẫn đăng ký tăng/giảm lao động đóng bảo hiểm xã hội online
Doanh nghiệp cần làm gì khi người lao động nghỉ việc từ 14 ngày trở lên? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo điểm e khoản 1 khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng mà không cần báo trước cho người lao động.
Theo khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp có quyền xử lý kỷ luật lao động sa thải người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Như vậy, doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
Tuy nhiên, để đảm bảo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, xử lý kỷ luật lao động đúng luật, doanh nghiệp phải:
(1) Chứng minh được người lao động tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng.
Theo khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động của doanh nghiệp.
(2) Thực hiện đúng thủ tục luật định. Cụ thể:
- Trường hợp doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần thực hiện:
+ Thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo căn cứ tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 (Doanh nghiệp không cần báo trước một khoảng thời gian, nhưng phải thông báo cho người lao động theo khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động 2019).
+ Thực hiện các trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019.
- Trường hợp doanh nghiệp xử lý kỷ luật sa thải người lao động cần tuân thủ các quy định về nguyên tắc, thời hiệu, thẩm quyền, thủ tục xử lý kỷ luật lao động quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
>> Xem thêm công việc và bài viết về xử lý kỷ luật lao động sa thải tại:
>> Xử lý kỷ luật sa thải người lao động
>> 05 điều doanh nghiệp cần biết để xử lý kỷ luật lao động đúng luật