Năm 2024, doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành thì phải đáp ứng những điều kiện gì? Quy định cụ thể như thế nào?
>> Trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành 2024 như thế nào?
Căn cứ Điều 31 Luật Du lịch 2017, điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành cụ thể như sau:
Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
(i) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
(ii) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng.
(iii) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:
(i) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
(ii) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng.
(iii) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
- Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại Mục 1.1 nêu trên được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại Mục 1.2 nêu trên được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
- Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Ngoài ra, theo khoản 4 và khoản 5 Điều 31 Luật Du lịch 2017 thì Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về việc ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản (ii) Mục 1.1 và khoản (ii) Mục 1.2 nêu trên, giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với doanh nghiệp năm 2024
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 30 Luật Du lịch 2017, phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm:
(i) Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.
(ii) Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
(iii) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản (iv) Mục này.
(iv) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Căn cứ Điều 5 Luật Du lịch 2017, chính sách của Nhà nước đối với phát triển du lịch như sau:
(i) Nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch để bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
(ii) Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
(iii) Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động sau đây:
- Điều tra, đánh giá, bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch.
- Lập quy hoạch về du lịch.
- Xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, địa phương.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.
(iv) Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
- Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao.
- Nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
- Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác.
- Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch.
- Phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch; sử dụng nhân lực du lịch tại địa phương.
- Đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch.
(v) Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, cư trú, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, hoàn thuế giá trị gia tăng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khác cho khách du lịch.