Trong hợp đồng thương mại quốc tế có đề cập đến điều kiện CFR tại Incoterms 2020. Vậy CFR tại Incoterms 2020 có nghĩa là gì? Mong được giải đáp chi tiết! – Minh Trường (Đồng Nai).
>> Điều kiện DDP tại Incoterms 2020 là gì?
>> Điều kiện DPU tại Incoterms 2020 là gì?
Incoterms là viết tắt của từ International Commercial Terms trong tiếng Anh; thường được dịch sang tiếng Việt là điều kiện thương mại quốc tế hoặc tập quán thương mại quốc tế. Như vậy, Incoterms 2020 được hiều là điều kiện thương mại quốc tế (phiên bản năm 2020).
CFR là viết tắt của từ Cost And Freight trong tiếng Anh. Như vậy, điều kiện CFR được hiểu là điều kiện tiền hàng và cước phí.
Tiền hàng và cước phí có nghĩa là người bán phải giao hàng lên tàu hoặc mua hàng để giao hàng như vậy. Rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa chuyển giao khi hàng được giao lên tàu. Người bán phải ký hợp đồng và trả các chi phí và cước phí cần thiết để đưa hàng hóa tới cảng đến quy định.
Với điều kiện CFR, người bán không có nghĩa vụ gì với người mua về việc ký kết hợp đồng bảo hiểm, vậy nên nếu cần người mua nên tự mua bảo hiểm cho hàng hóa để tránh rủi ro.
Điều kiện CFR có hai cảng quan trọng: (i) cảng đi nơi hàng hóa được giao lên trên tàu chuyên chở và (ii) cảng đích. Rủi ro chuyển từ người bán sang người mua khi người bán giao hàng cho người mua bằng việc đặt chúng lên trên tàu chuyên chở tại cảng đi hoặc mua hàng để giao như vậy. Tuy nhiên, người bán sẽ còn chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng vận tải để đưa hàng hóa từ cảng đi đến cảng đích.
Lưu ý khi thỏa thuận điều khoản trong hợp đồng mua bán:
- Điều kiện CFR có hai điểm tới hạn, vì rủi ro di chuyển và chi phí được phân chia ở hai nơi khác nhau. Trong khi hợp đồng luôn ghi rõ cảng đến thì nó lại có thể không chỉ rõ cảng xếp hàng - là nơi mà rủi ro di chuyển sang người mua. Nếu cảng gửi hàng có ý nghĩa đặc biệt với người mua, thì các bên nên quy định trong hợp đồng càng cụ thể càng tốt.
- Các bên nên xác định càng cụ thể càng tốt địa điểm tại cảng đến đã thỏa thuận và chi phí cho đến địa điểm đó do người bán chịu. Người bán nên ký các hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm này. Nếu theo hợp đồng vận tải, người bán phải chịu các chi phí liên quan đến việc dỡ hàng tại địa điểm cảng đến thì người bán không có quyền đòi lại từ người mua trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.
Tra cứu danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
Điều kiện CFR tại Incoterms 2020 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Điều kiện CFR sẽ được sử dụng cho vận tải biển và thủy nội địa.
CFR sẽ không phù hợp khi hàng hóa được giao cho người chuyên chở trước khi hàng được giao lên tàu, ví dụ hàng đóng trong container, mà thường là giao tại bến bãi ở cảng. Trong trường hợp như thế nên sử dụng điều kiện CPT (Cước phí trả tới).
Việc có nhiều người chuyên chở tham gia vận chuyển hàng hóa qua nhiều khẩu trong suốt quá trình vận chuyển là điều thường xuyên xảy ra. Ví dụ: người chuyên chở đầu tiên sẽ điều khiển tàu trung chuyển chở hàng Hong Kong đến Thượng Hải, sau đó hàng sẽ được chuyển lên tàu chuyên chở chính chở hàng tới Southampton. Câu hỏi đặt ra ở đây là rủi ro sẽ được chuyển từ người bán sang người mua tại Hong Kong hay Thượng Hải?
Câu trả lời là các bên có thể tự đàm phán điều này và dựa vào hợp đồng. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận nào được ký kết, địa điểm mặc định nơi mà hàng rủi ro đối với hàng hóa được chuyển giao là khi hàng được giao cho người chuyên chở đầu tiên, trong trường hợp này sẽ là Hong Kong. Nếu hai bên muốn địa điểm chuyển giao là Thượng Hải hoặc địa điểm nào khác, các bên có thể bổ sung điều này vào hợp đồng.
Nếu trong hợp đồng chuyên chở mà người bán đã ký kết có bao gồm chi phí dỡ hàng tại cảng đích thì người bán sẽ phải chi trả cho chi phí này, trừ khi hai bên đã có thỏa thuận trước về việc người bán sẽ được người mua hoàn trả chi phí này.
Điều kiện CFR yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu cho hàng hóa (nếu cần). Tuy nhiên người bán không có nghĩa vụ phải thông quan nhập khẩu hoặc thông quan khi quá cảnh tại nước thứ ba mà hàng hóa phải đi qua, không phải trả thuế nhập khẩu hoặc chi phí làm thủ tục thông quan nhập khẩu.
Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế - Luật Thương mại 2005 1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. 2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. |