Năm 2023, pháp luật có quy định như thế nào về địa điểm nộp và thời hạn đăng ký thuế lần đầu? – Đình Khoa (Tiền Giang).
>> Việc đăng ký thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp năm 2023 quy định thế nào?
>> Năm 2023, việc thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế được quy định thế nào?
Tùy vào từng đối tượng đăng ký thuế (Xem thêm tại bài viết: Năm 2023, ai phải đăng ký thuế?), pháp luật quy định địa điểm và thời hạn đăng ký thuế lần đầu khác nhau, cụ thể như sau:
Căn cứ tại Điều 32 Luật Quản lý thuế 2019, địa điểm nộp thuế lần đầu được quy định như sau:
- Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế là địa điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế được quy định như sau:
+ Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đó có trụ sở;
+ Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay: nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân đó;
+ Hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh: nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi phát sinh thu nhập chịu thuế, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú hoặc nơi phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
- Cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập đăng ký thuế thay cho bản thân và người phụ thuộc nộp hồ sơ đăng ký thuế thông qua tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập. Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm tổng hợp và nộp hồ sơ đăng ký thuế thay cho cá nhân đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân chi trả đó.
Địa điểm nộp và thời hạn đăng ký thuế lần đầu năm 2023? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Thời hạn đăng ký thuế lần đầu được quy định tại Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019 cụ thể là:
Điều 33. Thời hạn đăng ký thuế lần đầu
1. Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thời hạn đăng ký thuế là thời hạn đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày sau đây:
a) Được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định thành lập;
b) Bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế thay; tổ chức nộp thay cho cá nhân theo hợp đồng, văn bản hợp tác kinh doanh;
d) Ký hợp đồng nhận thầu đối với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế; ký hợp đồng, hiệp định dầu khí;
đ) Phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân;
e) Phát sinh yêu cầu được hoàn thuế;
g) Phát sinh nghĩa vụ khác với ngân sách nhà nước.
3. Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm đăng ký thuế thay cho cá nhân có thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế trong trường hợp cá nhân chưa có mã số thuế; đăng ký thuế thay cho người phụ thuộc của người nộp thuế chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật trong trường hợp người phụ thuộc chưa có mã số thuế.
Như vậy theo quy định trên, thì thời hạn đăng ký thuế đối với người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh là thời hạn đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.
- Đối với người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ thời điểm nêu tại khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019.
- Đối với tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm đăng ký thuế thay cho cá nhân có thu nhập hoặc đăng ký thuế thay cho người phụ thuộc của người nộp thuế thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ thời điểm tại khoản 3 Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019.
Tại khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về cấp giấy chứng nhận đặng ký thuế cho người nộp thuế cụ thể là:
Điều 34. Cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế
1. Cơ quan thuế cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế theo quy định. Thông tin của giấy chứng nhận đăng ký thuế bao gồm:
a) Tên người nộp thuế;
b) Mã số thuế;
c) Số, ngày, tháng, năm của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh; số, ngày, tháng, năm của quyết định thành lập đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh; thông tin của giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân không thuộc diện đăng ký kinh doanh;
d) Cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
...
Như vậy, thời hạn để cơ quan thuế cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế cho người nộp thuế là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế. Thông tin giấy chứng nhận đăng ký thuế gồm có:
- Tên người nộp thuế;
- Mã số thuế;
- Số, ngày, tháng, năm của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh; số, ngày, tháng, năm của quyết định thành lập đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh; thông tin của giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân không thuộc diện đăng ký kinh doanh;
- Cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
>> Xem thêm chi tiết bài viết và công việc liên quan:
>> Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu năm 2023 được quy định thế nào?
>> Trách nhiệm khai, nộp thuế thu nhập cá nhân của doanh nghiệp
>> Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong doanh nghiệp
>> Xác định kỳ khai thuế giá trị gia tăng trong doanh nghiệp