Chào PHÁP LÝ KHỞI NGHIÊP, tôi đang làm chủ sở hữu của 1 công ty TNHH, hiện tôi đang có nhu cầu mua 1 chiếc xe ô tô và đang phân vân xe ô tô này nên đứng tên tôi hay nên mua với danh nghĩa công ty, cái nào có lợi hơn? Xin được tư vấn!
>> Có được yêu cầu lao động nữ cam kết không mang thai không?
>> Chủ tọa và thư ký có bắt buộc phải ký biên bản họp HĐTV/ĐHĐCĐ?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
1. Lợi ích khi công ty đứng tên mua xe cho cá nhân
Khấu trừ thuế GTGT
Điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi bổ sung 2013) quy định:
Điều 12. Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
a) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế giá trị gia tăng đầu vào không được bồi thường của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bị tổn thất;
…
Theo đó, Thuế giá trị gia tăng (GTGT) công ty phải chịu khi mua ôtô sẽ được coi là thuế giá trị gia tăng đầu vào và có thể được khấu trừ.
Ngoài ra, Điều 9 Thông tư 151/2014/TT-BTC quy định:
Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.
Như vậy, nếu giá trị của xe ô tô từ 1,6 tỷ trở xuống thì được khấu trừ toàn bộ phần thuế GTGT, còn phần thuế GTGT tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1.6 tỷ đồng sẽ không được khấu trừ.
Để được khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng điều kiện về hoá đơn, chứng từ theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Ví dụ: Công ty A mua 1 chiếc xe trị giá 1 tỷ. Sau khi quyết toán thuế GTGT, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế và nhận lại 100 triệu đồng. Nếu giá trị xe là 2 tỷ thì doanh nghiệp chỉ được khấu trừ thuế GTGT cho 1,6 tỷ nên chỉ được nhận lại 160 triệu.
Tiền mua xe được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
Các khoản chi được trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, bao gồm:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, khoản chi mua xe nếu là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, có thể được xem là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Ngoài ra, các hoá đơn xăng dầu có thể quyết toán với công ty chủ sở hữu chiếc xe. Khi cá nhân đi đổ xăng và lấy hoá đơn bán hàng về đưa cho kế toán của công ty, vì chiếc xe thuộc quyền sở hữu của công ty nên công ty sẽ phải chịu toàn bộ chi phí mà chiếc xe phát sinh bao gồm sửa chữa, cầu đường hay xăng dầu... Cơ bản chiếc xe được coi như là tài sản công ty nên sẽ được thanh toán các chi phí liên quan.
Giới hạn trách nhiệm khi bồi thường thiệt hại do tai nạn
Trong một số trường hợp, khi sử dụng xe công ty mà gây ra tai nạn, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng có sự khác nhau giữa công ty và cá nhân:
- Đối với cá nhân: Việc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân là “vô hạn”. Khi đó, cá nhân sẽ phải dùng tài sản của mình để thanh toán cho khoản bồi thường đó, thậm chí phải bán xe để thanh toán.
- Đối với công ty: Các loại hình doanh nghiệp sau: công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên, công ty cổ phần, khi phát sinh trách nhiệm bồi thường, công ty chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vố đã góp. Như vậy, doanh nghiệp không cần phải bán tài sản là xe ô tô để thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
2. Một số rủi ro khi xe cá nhân để công ty đứng tên
Có thể mất xe khi công ty làm ăn thua lỗ
Theo đúng pháp luật thì chiếc xe là tài sản riêng của công ty
Do đó, trường hợp công ty kinh doanh thua lỗ dẫn tới việc nợ nần ngân hàng, làm ăn phi pháp hay thậm chí là phá sản, những tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp sẽ được đưa vào danh sách tài sản được thanh lý để thanh toán cho các chủ nợ của công ty.
Như vậy, nếu để công ty đứng tên xe thì khi công ty phá sản, xe sẽ được đưa vào danh sách tài sản thanh lý để đấu giá nhằm thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho chủ nợ.
Thủ tục bán xe phức tạp
Thông thường với một chiếc xe do chính cá nhân đứng tên sở hữu thì việc mua đi bán lại khá dễ dàng.
Tuy nhiên, các thủ tục hành chính khi bán xe do pháp nhân làm chủ sở hữu khá phức tạp. Thông thường, quy trình để bán một chiếc xe khi chủ sở hữu xe là doanh nghiệp bao gồm Công chứng giấy tờ mua bán xe, công ty chủ sở hữu phải suất hoá đơn VAT rồi đóng thuế trước bạ, thuế giá trị gia tăng và lệ phí công chứng sang tên đổi chủ.
Như vậy, cá nhân mua xe và để công ty đứng tên sẽ có lợi hơn vì được giảm một số chi phí do được khấu trừ thuế GTGT và giảm một phần thuế TNDN.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!