PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Công ty tôi điều động lao động nữ mang thai làm thêm giờ thì có được không? Và thời gian tăng ca tối đa bao nhiêu giờ/ngày? Tôi xin cảm ơn.
>> Khi nào NLĐ nghỉ ngơi mà được hưởng nguyên lương?
>> Làm thêm giờ ban đêm ngày nghỉ cuối tuần thì được hưởng mức lương bao nhiêu?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, việc làm thêm của lao động nữ mang thai được quy định như sau:
"Điều 137. Bảo vệ thai sản
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.”
Như vậy, công ty anh/chị vẫn được điều động lao động nữ mang thai làm thêm giờ trong trường hợp lao động nữ mang thai dưới 07 tháng hoặc dưới 06 tháng nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Mặt khác, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 (được hướng dẫn bởi Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP), công ty anh/chị chỉ được sử dụng lao động nữ mang thai làm thêm khi có được sự đồng ý của người này và đảm bảo số giờ làm thêm sau đây:
- Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trừ trường hợp:
+ Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần: tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày;
+ Trường hợp làm việc không trọn thời gian quy định tại Điều 32 của Bộ luật Lao động 2019: tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
- Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
Bên cạnh đó, công ty anh/chị còn cần đảm bảo số giờ làm thêm trong tháng và trong năm như sau:
- Không quá 40 giờ/tháng;
- Không quá 200 giờ/năm.
Tuy nhiên, nếu công ty anh/chị thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 thì được phép sử dụng lao động nữ mang thai làm thêm trên 200 giờ/năm nhưng không quá 300 giờ/năm, cụ thể:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn phát sinh từ các yếu tố khách quan liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động 2019.
- Cung ứng dịch vụ công; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; dịch vụ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.
- Công việc trực tiếp sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp thực hiện thời giờ làm việc bình thường không quá 44 giờ trong một tuần.
Lưu ý:
- Ngoài những trường hợp bên trên, công ty anh/chị còn có thể sử dụng lao động làm thêm trên 200 giờ/năm (nhưng không quá 300 giờ/năm) theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15.
Xem chi tiết tại: Tăng số giờ làm thêm mà NSDLĐ được phép yêu cầu đối với NLĐ
- Trong trường hợp sử dụng lao động trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, công ty anh/chị cần phải thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các nơi sau:
+ Nơi công ty tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm;
+ Nơi đặt trụ sở chính, nếu trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi công ty tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ /năm.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!