Công ty có bắt buộc phải gửi bảng kê lương cho người lao động mỗi lần trả lương hay không? Không gửi bảng kê lương cho người lao động thì bị phạt bao nhiêu?
>> Thời gian nào được tính vào thời gian làm việc có lương 2024?
>> Halloween ngày mấy 2024? Có được sử dụng tiền công đoàn tổ chức trò chơi cho nhân viên không?
Căn cứ Điều 95 Bộ luật Lao động 2019, quy định về việc trả lương như sau:
1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
2. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
3. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Như vậy, công ty phải gửi bảng kê lương cho người lao động mỗi lần trả lương. Bảng kê lương phải có các nội dung sau:
- Tiền lương.
- Tiền lương làm thêm giờ (nếu có).
- Tiền lương làm việc vào ban đêm (nếu có).
- Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Tổng hợp file word biểu mẫu hồ giải quyết hưởng chế độ BHXH mới nhất |
Công ty phải gửi bảng kê lương cho người lao động mỗi lần trả lương
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm mức phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, không gửi bảng kê lương cho người lao động mỗi lần trả lương sẽ bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân hoặc từ 10 – 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức.
Căn cứ khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP,người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về cách trả lương dựa trên tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh. Các hình thức trả lương bao gồm:
(i) Lương theo thời gian:
Đây là hình thức trả lương dựa trên thời gian làm việc của người lao động, có thể được tính theo tháng, tuần, ngày hoặc giờ.
- Tiền lương tháng: Được trả cho một tháng làm việc.
- Tiền lương tuần: Trường hợp hợp đồng thỏa thuận lương theo tháng, tiền lương tuần được tính bằng lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần.
- Tiền lương ngày: Trường hợp hợp đồng thỏa thuận lương theo tháng, lương ngày được tính bằng lương tháng chia cho số ngày làm việc trong tháng. Nếu thỏa thuận lương theo tuần, lương ngày được tính bằng lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần.
- Tiền lương giờ: Trường hợp hợp đồng thỏa thuận lương theo tháng, tuần, hoặc ngày, lương giờ được tính bằng lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019.
(ii) Lương theo sản phẩm:
Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
(iii) Tiền lương khoán:
Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Lương khoán là hình thức trả lương cho người lao động dựa trên khối lượng công việc cụ thể phải hoàn thành, thay vì thời gian làm việc. Người lao động nhận một khoản tiền cố định khi hoàn thành công việc theo yêu cầu về số lượng và chất lượng trong khoảng thời gian thỏa thuận.
Ví dụ lương khoán:
Xây dựng: Một đội công nhân được giao xây dựng một căn nhà và được trả lương 200 triệu đồng sau khi hoàn thành toàn bộ công trình theo đúng yêu cầu kỹ thuật và thời hạn hợp đồng.
Làm website: Một lập trình viên được thuê thiết kế và phát triển một website với mức lương khoán 50 triệu đồng. Sau khi hoàn thành website đúng theo yêu cầu và thời gian cam kết, họ sẽ nhận toàn bộ số tiền đã thỏa thuận.
Lưu ý: Nội dung trên chỉ mang tính tham khảo.