Sắp đến dịp khuyến mại, doanh nghiệp có được tăng giá sản phẩm, dịch vụ lên cao để giá bán sau khi khuyến mại cao hơn giá bán bình thường? – Trường Giang (Đà Nẵng).
>> Cơ cấu tổ chức quản lý của các loại hình doanh nghiệp?
>> Nhà đầu tư mua trái phiếu được hưởng những quyền lợi gì?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Hành vi không trung thực về giá bán hàng hóa, dịch vụ để lừa đối khách hàng trong các đợt khuyến mại thường gặp bao gồm:
- Nâng giá bán hàng hóa, dịch vụ lên cao rồi sau đó giảm giá bán với các tỷ lệ giảm hấp dẫn như 30%, 50%. Do đó, giá bán sau khi đã khuyến mại bằng hoặc thậm chí là cao hơn giá trước khuyến mãi.
- Nâng giá bán hàng hóa, dịch vụ rồi sau đó bán tặng kèm theo hàng hóa, dịch vụ khác có giá trị bằng hoặc thấp hơn sự tăng đó.
Các hành vi nêu trên có thể bị xem là hành vi vi phạm về khuyến mại và bị xử phạt hành chính như sau:
Tăng giá hàng hóa, dịch vụ trước đợt khuyến mại
Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.
Tuy nhiên, hành vi khuyến mại không trung thực về giá bán hàng hóa, dịch vụ làm mất đi bản chất của hoạt động khuyến mại bởi khách hàng không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ việc mua hàng hóa, dịch vụ.
Như vậy, hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ trước đợt khuyến mại nêu bên trên được xem là hành vi thực hiện khuyến mại trái nguyên tắc thực hiện khuyến mại quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, cụ thể:
“Điều 3. Nguyên tắc thực hiện khuyến mại
1. Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.”
Theo đó, tại điểm o khoản 2 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động khuyến mại như sau:
“Điều 33. Hành vi vi phạm về khuyến mại
…
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
o) Thực hiện khuyến mại trái quy định về nguyên tắc thực hiện khuyến mại;”
Do đó, nếu doanh nghiệp thực hiện khuyến mại trái quy định về nguyên tắc thực hiện khuyến mại có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, việc nâng giá bán hàng hóa, dịch vụ trước đợt khuyến mại được xem là hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tăng giá bán cao hơn mức giá đã/phải kê khai hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tăng giá theo mức giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng mức giá đăng ký hoặc kê khai này nhận được yêu cầu giải trình hoặc yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký/kê khai lại mức giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu thực hiện một trong các hành vi nêu trên, doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng tùy thuộc vào tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá (điểm a khoản 5 Điều 3 và Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).
Những chương trình khuyến mại không trung thực về giá bán hàng hóa, dịch vụ thường là các chương trình khuyến mại “ảo” và không thực hiện thủ tục thông báo đến Sở Công thương khi thực hiện khuyến mại theo quy định pháp luật hoặc thông báo không đúng với thực tế.
Trong trường hợp này, căn cứ điểm b, khoản 4 Điều 4 và điểm c khoản 2 Điều 33 Nghị định 98/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm b Khoản 1 và điểm d khoản 24 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP); doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ có thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Như vậy, doanh nghiệp không được phép tăng giá hàng hóa, dịch vụ trước đợt khuyến mại nhằm lừa dối khách hàng và gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng như các trường hợp nêu trên.