Công ty có cần phải công bố kết quả quan trắc môi trường lao động cho người lao động biết không? Nếu không công bố thì có thể bị phạt bao nhiêu? – Hữu Thắng (Lai Châu).
>> Thử việc không đóng bảo hiểm xã hội thì có được khoản bù đắp nào không?
>> Cuối năm 2022, công ty phải gửi báo cáo tổng hợp tai nạn lao động đến cơ quan nào?
Sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động, công ty phải công bố kết quả này cho người lao động.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quan trắc môi trường lao động là hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá số liệu đo lường các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc để có biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.
Hằng năm hoặc khi cần thiết, công ty có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Công bố kết quả quan trắc môi trường lao động (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hiện nay, việc quan trắc môi trường lao động là một trong những nội dung của kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, được quy định tại Điều 18 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 39/2016/NĐ-CP, cụ thể:
Điều 18. Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc
1. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.
2. Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm. Đơn vị tổ chức quan trắc môi trường lao động phải có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực.
3. Đối với yếu tố nguy hiểm thì người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm soát, quản lý đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và ít nhất một lần trong một năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá yếu tố này theo quy định của pháp luật.
4. Ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải:
a) Thông báo công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm;
b) Cung cấp thông tin khi tổ chức công đoàn, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu;
c) Có biện pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Như vậy, ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động, công ty phải thông báo công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động; đồng thời cung cấp thông tin khi tổ chức công đoàn, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu; và Có biện pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Theo khoản 2 Điều 27 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi không công bố công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm biết ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, nếu công ty không công bố kết quả quan trắc môi trường lao động, công ty có thể bị xử phạt từ 04 triệu đến 10 triệu đồng.
XEM CHI TIẾT CÁC CÔNG VIỆC PHÁP LÝ CẦN BIẾT TRONG QUÁ TRÌNH: |
||