Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là gì? Nội dung hợp đồng sử dụng nhãn hiệu bao gồm? Doanh nghiệp nước ngoài chịu thuế nhà thầu như thế nào khi chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu?
>> Bản quyền là gì? Tiền bản quyền là gì?
>> Nhãn hiệu là gì? Việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng dựa trên những tiêu chí nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quy định chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp như sau:
Quy định chung về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
1. Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
Như vậy, từ quy định trên, chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu được hiểu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành |
Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 143 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hợp đồng sử dụng nhãn hiệu gồm các dạng sau đây:
(i) Hợp đồng độc quyền: hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.
(ii) Hợp đồng không độc quyền: hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền với người khác.
Căn cứ khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hợp đồng sử dụng nhãn hiệu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
(i) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
(ii) Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng.
(iii) Dạng hợp đồng.
(iv) Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ.
(v) Thời hạn hợp đồng.
(vi) Giá chuyển giao quyền sử dụng.
(vii) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
Căn cứ khoản 3 Điều 7 Thông tư 103/2014/TT-BTC, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp quy định thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm).
Ngoài ra, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì tỷ lệ (%) thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên doanh thu tính thuế đối với thu nhập bản quyền là 10%.
Như vậy, doanh nghiệp nước ngoài có phát sinh khoản thu nhập được trả cho quyền sử dụng nhãn hiệu mà phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì khoản thu nhập này thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và tỷ lệ (%) thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên doanh thu tính thuế là 10%.
Theo hướng dẫn tại Công văn 10453/BTC-CST và Công văn 15888/BTC-CST, trường hợp doanh nghiệp nước ngoài nhận tiền từ hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu mà phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì phải chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT là 10% (nếu áp dụng theo phương pháp khấu trừ) hoặc tỷ lệ (%) thuế GTGT tính trên doanh thu tính thuế là 5% (nếu áp dụng theo phương pháp trực tiếp).