Chủ sở hữu của tổ chức tài chính vi mô là ai? Điều kiện cấp Giấy phép đối với tổ chức tài chính vi mô là gì? Quy định về Ủy ban quản lý rủi ro và Ủy ban nhân sự như thế nào?
>> PM là gì trong kinh doanh? Project Manager, Product Manager làm công việc gì?
>> Ký quỹ là gì? Quyền và nghĩa vụ của các bên trong ký quỹ được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Nghị định 162/2024/NĐ-CP, chủ sở hữu của tổ chức tài chính vi mô được cụ thể như sau:
14. Chủ sở hữu của tổ chức tài chính vi mô là tổ chức chính trị - xã hội sở hữu toàn bộ vốn của tổ chức tài chính vi mô là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
File Word Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 |
Chủ sở hữu của tổ chức tài chính vi mô là ai; Điều kiện cấp Giấy phép đối với tổ chức tài chính vi mô là gì (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 162/2024/NĐ-CP, điều kiện cấp Giấy phép đối với tổ chức tài chính vi mô được quy định chi tiết như sau:
(i) Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép.
(ii) Có chủ sở hữu, thành viên sáng lập theo quy định tại Điều 13 Nghị định 162/2024/NĐ-CP.
(iii) Có người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
(iv) Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và quy định của pháp luật có liên quan.
(v) Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động.
Tại Điều 12 Thông tư 33/2024/TT-NHNN, Ủy ban quản lý rủi ro và Ủy ban nhân sự của tổ chức tài chính vi mô được quy định như sau:
Hội đồng thành viên phải thành lập Ủy ban quản lý rủi ro, Ủy ban nhân sự và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hai Ủy ban này. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành, tổ chức tài chính vi mô phải gửi các quy định nội bộ này cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Cơ cấu tổ chức của hai Ủy ban do Hội đồng thành viên quyết định nhưng mỗi Ủy ban phải có tối thiểu hai thành viên, Trưởng ban là thành viên Hội đồng thành viên. Một thành viên Hội đồng thành viên chỉ được là Trưởng ban của một Ủy ban. Trưởng ban và các thành viên khác của hai Ủy ban do Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm theo Điều lệ của tổ chức tài chính vi mô.
Quy chế tổ chức và hoạt động của các Ủy ban tối thiểu gồm các nội dung sau đây:
(i) Quy chế làm việc:
- Số lượng thành viên của Ủy ban và trách nhiệm của từng thành viên.
- Các kỳ họp định kỳ của Ủy ban.
- Việc họp bất thường của Ủy ban.
- Việc đưa ra quyết định của Ủy ban.
(ii) Nhiệm vụ, chức năng của các Ủy ban:
- Đối với Ủy ban quản lý rủi ro:
+ Tham mưu cho Hội đồng thành viên trong việc ban hành các quy trình, chính sách thuộc thẩm quyền của Ủy ban liên quan đến quản trị rủi ro trong hoạt động tổ chức tài chính vi mô theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tài chính vi mô.
+ Phân tích, đưa ra những cảnh báo về mức độ an toàn của tổ chức tài chính vi mô trước những nguy cơ, tiềm ẩn rủi ro có thể ảnh hưởng và biện pháp phòng ngừa đối với các rủi ro này trong ngắn hạn, dài hạn.
+ Xem xét, đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của các quy trình, chính sách quản trị rủi ro hiện hành của tổ chức tài chính vi mô để đưa các khuyến nghị, đề xuất đối với Hội đồng thành viên về những yêu cầu cần thay đổi quy trình, chính sách hiện hành, chiến lược hoạt động;
- Đối với Ủy ban nhân sự:
+ Tham mưu cho Hội đồng thành viên về quy mô và cơ cấu Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) phù hợp với quy mô hoạt động và chiến lược phát triển của tổ chức tài chính vi mô.
+ Tham mưu cho Hội đồng thành viên xử lý các vấn đề về nhân sự phát sinh liên quan đến các thủ tục bầu, bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tài chính vi mô theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tài chính vi mô.
+ Nghiên cứu, tham mưu cho Hội đồng thành viên trong việc ban hành các quy định nội bộ của tổ chức tài chính vi mô thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, quy chế tuyển chọn nhân sự, đào tạo và các chính sách đãi ngộ khác đối với người điều hành, cán bộ, nhân viên của tổ chức tài chính vi mô.