Vì quá tin tưởng nên Giám đốc cho đối tác mượn tiền bằng miệng 200 triệu đồng (không viết giấy tờ); giờ công ty có thể đòi lại khoản nợ này hay không? – Thu Sa (Khánh Hòa).
>> Có được công chứng hợp đồng ngoài trụ sở của Văn phòng công chứng?
>> Làm sao để hạn chế viết sai chính tả trong soạn thảo văn bản, hợp đồng?
Hai năm trước, vì quá tin tưởng đối tác nên Giám đốc có chỉ đạo kế toán lấy tiền công ty cho họ mượn 200 triệu đồng (tất cả dựa trên niềm tin, nói miệng với nhau, không hề viết bất kỳ giấy tờ nào ghi nhận sự việc này).
Thời gian qua, kế toán của công ty có gọi điện cho bên đối tác (bên mượn tiền) thị họ nói khó khăn quá nên từ từ trả; sau đó gọi điện nhiều lần để đòi nợ thì họ trở mặt nói “có mượn tiền hồi nào đâu mà bảo trả, nếu cho mượn thì chứng cứ đâu?”.
Việc cho đối tác mượn tiền bằng miệng và giờ đối tác chối khoản nợ như trình bày ở trên thì công ty có đòi lại được khoản tiền đó hay không?
Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Căn cứ các quy định nêu trên và pháp luật hiện hành, giao dịch vay không bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải lập thành văn bản. Do đó, việc cho vay tiền (thực tế thường được gọi là mượn tiền) chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này nếu người vay không trả tiền, công ty có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú, làm việc để đòi lại số tiền đã cho vay.
Toàn văn File Word các Luật quan trọng và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Cho mượn tiền bằng miệng vẫn đòi lại được khoản tiền đã cho mượn
Vì bên mượn tiền trở mặt và cho rằng mình không có mượn tiền nên công ty phải chứng minh với tòa án là có việc cho mượn tiền xảy ra. Trường hợp này công ty có thể ghi âm lại lời nói mà bên mượn tiền đã xác nhận mình đã mượn, tin nhắn lúc bên mượn tiền nhắn tin để mượn tiền, những tin nhắn và lời nói hứa hẹn thời gian trả khoản tiền mượn (như là đang gặp khó khăn, từ từ trả…)...
Nghĩa vụ của bên cho vay và nghĩa vụ trả nợ của bên vay tiền được thực hiện theo Điều 465 và Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015.
Điều 465. Nghĩa vụ của bên cho vay - Bộ luật Dân sự năm 2015
1. Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.
2. Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
3. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay - Bộ luật Dân sự năm 2015
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.