Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán được xác định như thế nào? Phương pháp tính số lợi bất hợp pháp đó ra sao?
>> Năm 2024, chứng khoán bị phong tỏa trong trường hợp nào?
>> Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh 2024?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 117/2020/TT-BTC, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định lại điểm d khoản 3 Điều 4 Nghị định 156/2020/NĐ-CP là số lợi bao gồm tiền, giấy tờ có giá, tài sản và vật có giá mà tổ chức, cá nhân có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán sau khi trừ đi các khoản thuế, phí phải nộp.
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 117/2020/TT-BTC, nguyên tắc xác định số lợi bất hợp pháp:
(i) Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì xác định số lợi bất hợp pháp có được theo từng hành vi vi phạm.
(ii) Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm nhiều lần thì xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo từng lần.
(iii) Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm đối với nhiều mã chứng khoán thì số lợi bất hợp pháp được tính theo từng mã chứng khoán.
File word Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 |
Cách tính số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 3 Điều 4 Thông tư 117/2020/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 73/2023/TT-BTC), số lợi bất hợp pháp được tính theo phương pháp sau:
(i) Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi bán ra số cổ phiếu đã mua lại quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được tính theo công thức sau:
Số lợi bất hợp pháp = số cổ phiếu bán ra x (Giá bán cổ phiếu bình quân - Giá mua cổ phiếu bình quân) - Các khoản thuế, phí phải nộp.
Trong đó:
Giá bán cổ phiếu bình quân = Tổng giá trị giao dịch bán /Tổng số cổ phiếu bán ra.
Giá mua cổ phiếu bình quân = Tổng giá trị giao dịch mua /Tổng số cổ phiếu mua lại
(ii) Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lợi dụng việc biết thông tin về chào mua công khai để mua bán chứng khoán cho chính mình hoặc cung cấp thông tin, xúi giục, lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán trước thời điểm chào mua công khai chính thức quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được tính theo phương pháp tính khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 117/2020/TT-BTC.
(iii) Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái với quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Chứng khoán 2019, quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 156/2020/NĐ-CP là toàn bộ số lợi mà tổ chức, cá nhân có được từ việc tổ chức địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán.
(iv) Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho thuê, chuyển nhượng giấy phép quy định tại điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho thuê chứng chỉ hành nghề chứng khoán quy định tại điểm a khoản 4 Điều 32 Nghị định 156/2020/NĐ-CP là số lợi mà tổ chức, cá nhân có được từ việc cho thuê, chuyển nhượng giấy phép, cho thuê chứng chỉ hành nghề chứng khoán, được xác định trên cơ sở hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân cho thuê, chuyển nhượng và tổ chức cá nhân thuê, nhận chuyển nhượng.
(v) Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 156/2020/NĐ-CP là số lợi mà tổ chức, cá nhân cho mượn tài khoản có được từ việc cho mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác, được xác định trên cơ sở hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa người mượn tài khoản và người cho mượn tài khoản, giữa người nhờ đứng tên hộ và người đứng tên hộ.
(vi) Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 Nghị định 156/2020/NĐ-CP là toàn bộ số tiền, chứng khoán và khoản lợi ích khác phát sinh từ số chứng khoán vượt quá tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
(vii) Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm về chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ quy định tại khoản 3 Điều 34 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được tính theo công thức sau:
Số lợi bất hợp pháp = Số cổ phiếu chuyển nhượng x (Giá bán cổ phiếu bình quân - Giá mua cổ phiếu bình quân) - Các khoản thuế, phí phải nộp.
Trong đó:
Giá bán cổ phiếu bình quân = Tổng giá trị giao dịch bán của số cổ phiếu chuyển nhượng /Tổng số cổ phiếu chuyển nhượng.
Giá mua cổ phiếu bình quân = Tổng giá trị giao dịch mua /Tổng số cổ phiếu mua vào:
(viii) Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một hoặc một số chứng khoán để trốn tránh hoặc để hỗ trợ người khác trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin hoặc chào mua công khai hoặc quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 28 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP) được tính như sau:
- Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một hoặc một số chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định hoặc nghĩa vụ phải tuân thủ trong thực hiện chào mua công khai hoặc quy định phải tuân thủ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, số lợi bất hợp pháp mà tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi vi phạm là toàn bộ số tiền, chứng khoán và khoản lợi ích khác phát sinh từ số chứng khoán che giấu quyền sở hữu thực sự.
- Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi nhằm hỗ trợ người khác che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một hoặc một số chứng khoán để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin hoặc chào mua công khai hoặc quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, số lợi bất hợp pháp mà tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi vi phạm là toàn bộ số tiền, chứng khoán và khoản lợi ích liên quan đến số tiền, chứng khoán này phát sinh từ hành vi vi phạm, được xác định trên cơ sở hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên.
(ix) Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi sử dụng tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán, của công ty đầu tư chứng khoán, của nhà đầu tư ủy thác không đúng quy định pháp luật quy định tại khoản 4 Điều 40 Nghị định 156/2020/NĐ-CP là toàn bộ số lợi mà ngân hàng lưu ký có được từ việc sử dụng tài sản của đầu tư chứng khoán, của công ty đầu tư chứng khoán, của nhà đầu tư ủy thác không đúng quy định pháp luật.