Có được hủy thầu nếu có bằng chứng về việc môi giới hối lộ dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu hay không? – Thanh Thương (Cần Thơ).
>> Năm 2023, việc bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu được quy định ra sao?
>> Chi phí trong đấu thầu năm 2023 được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 17 Luật Đấu thầu 2013, các trường hợp hủy thầu được quy định như sau:
Điều 17. Các trường hợp hủy thầu
1. Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
2. Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
3. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
4. Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Như vậy, trường hợp có bằng chứng về việc môi giới hối lộ dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì có thể hủy thầu theo quy định pháp luật.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Các trường hợp hủy thầu, trách nhiệm khi hủy thầu năm 2023? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 18 Luật Đấu thầu 2013, trách nhiệm khi hủy thầu được quy định như sau:
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 17 Luật Đấu thầu 2013 phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 123 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hủy, đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được quy định như sau:
- Hủy thầu là biện pháp của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật liên quan của tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 73, Khoản 10 Điều 74 và Điểm e Khoản 2 Điều 75 Luật Đấu thầu 2013.
- Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu, cụ thể như sau:
+ Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được áp dụng khi có bằng chứng cho thấy tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế hoặc làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu;
+ Biện pháp đình chỉ được áp dụng để khắc phục ngay vi phạm đã xảy ra và được thực hiện đến trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Biện pháp không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đến trước khi ký kết hợp đồng; trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng sau khi ký kết hợp đồng;
+ Trong văn bản đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do, nội dung, biện pháp và thời gian để khắc phục vi phạm về đấu thầu;
+ Biện pháp tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu do người có thẩm quyền quyết định khi phát hiện các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.