Đối với hoạt động đầu tư xây dựng trong năm 2023, cần phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản nào? Quy định nào mới nhất? – Thu Trúc (Lào Cai).
>> Việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng năm 2023 được quy định thế nào?
>> Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, nhà thầu trong thiết kế xây dựng công trình năm 2023?
Theo giải thích tại khoản 20 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 thì hoạt động đầu tư xây dựng là quá trình tiến hành các hoạt động xây dựng gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, theo khoản 21 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 cũng nêu rõ hoạt động xây dựng gồm:
- Lập quy hoạch xây dựng;
- Lập dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Khảo sát xây dựng;
- Thiết kế xây dựng;
- Thi công xây dựng;
- Giám sát xây dựng;
- Quản lý dự án;
- Lựa chọn nhà thầu;
- Nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng;
- Bảo hành, bảo trì công trình xây dựng; và
- Hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.
Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, loại công trình xây dựng được xác định theo tính chất kết cấu và công năng sử dụng công trình.
Bên cạnh đó, cấp công trình xây dựng được xác định cho từng loại công trình gồm:
(1) Cấp công trình xây dựng phục vụ quản lý hoạt động đầu tư xây dựng quy định tại Luật Xây dựng 2014 được xác định căn cứ vào quy mô, mức độ quan trọng, thông số kỹ thuật của công trình, bao gồm cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV, trừ trường hợp (2);
(2) Cấp công trình xây dựng phục vụ thiết kế xây dựng công trình được quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Cấp công trình phục vụ quản lý các nội dung khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trong năm 2023, hoạt động đầu tư xây dựng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản được nêu tại Điều 4 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 như sau:
- Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của Nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên tại khu vực có dự án, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng.
- Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em ở các công trình công cộng, nhà cao tầng; ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng.
- Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
- Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định; chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát và tiêu cực khác trong hoạt động đầu tư xây dựng.
- Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn sử dụng.
- Khi lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng phải có giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.