Trường hợp bị chảy máu cam thì uống gì cho hết bệnh? Người lao động nghỉ đi khám bệnh do bị chảy máu cam có được hưởng chế độ ốm đau? – Hồng Trang (TP. Hồ Chí Minh).
>> Mang bầu mấy tháng được hưởng chế độ thai sản khi sinh?
>> Người lao động mắc bệnh si đa có được hưởng BHXH một lần?
Tôi bị chảy máu cam thì uống gì cho hết bệnh, vừa rồi nghe một số người khuyên là sắc nước mã đề uống sẽ hết. Vậy có đúng hay không? Trường hợp tôi nghỉ để đi khám bệnh do bị chảy máu cam thì có được hưởng chế độ ốm đau hay không? Trân trọng cảm ơn!
Về vấn đề này, PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP giải đáp như sau:
Theo Quyết định 4664/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành bộ tranh cây thuốc mẫu sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, mã đề có tác dụng chữa chảy máu cam, ngày dùng 10 - 20g (toàn cây) hay 6 - 12 g (hạt) sắc uống.
Ảnh 08 cây thuốc có công năng, chủ trị chảy máu cam |
Cây mã đề (Nguồn từ Internet)
Cũng theo Quyết định 4664/QĐ-BYT, ngoài mã đề thì còn có các loại cây thuốc có công năng, chủ trị chảy máu cam khác, bao gồm:
- Cỏ nhọ nồi: Ngày dùng 12 - 20g (khô), sắc uống; 30 - 50g (tươi), giã vắt lấy nước uống.
- Cỏ tranh: Ngày dùng 9 - 30g (khô), 30 - 60g (tươi) thái nhỏ, sắc với 600 ml nước đến khi còn 200 ml chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
- Dành dành: Ngày dùng 6 - 12g, sắc uống.
- Húng chanh.
- Kinh giới: Ngày dùng: 6 - 12g, sắc hoặc hãm uống.
- Rau má: Ngày dùng: 30 - 40g (tươi), vò nát, vắt lấy nước hoặc dạng khô sắc uống.
- Trắc bách diệp: Ngày dùng 6 - 12g (lá), bá tử nhân ngày dùng 4 - 12g. Trắc bách diệp sao cháy ngày dùng 10 - 20g, sắc uống.
Lưu ý: Việc chảy máu cam có thể là triệu chứng của các bệnh khác (như là sốt xuất huyết,…). Do đó, người bị chảy máu cam cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được bác sĩ khám và chữa bệnh một cách chính xác.
Căn cứ Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp bị chảy máu cam mà người lao động phải nghỉ việc đi khám bệnh và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
Căn cứ Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng chế độ ốm đau hiện nay như sau:
(i) Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
(ii) Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng được quy định như sau:
- Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên.
- Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
- Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
(iii) Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
(iv) Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.