Bán hàng giá trị bao nhiêu thì phải xuất hoá đơn? Bán hàng không xuất hóa đơn phạt bao nhiêu?
Bán hàng giá trị bao nhiêu thì phải xuất hoá đơn?
Theo khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế 2019 về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
...
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:
Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
...
Như vậy, hiện nay không có quy định về số tiền tối thiểu phải xuất hoá đơn, theo đó khi bán hàng thì người bán luôn phải xuất hoá đơn cho người mua, không phân biệt giá trị đơn hàng.
Bán hàng giá trị bao nhiêu thì phải xuất hoá đơn? (Hình từ Internet)
Bán hàng không xuất hóa đơn phạt bao nhiêu?
Theo khoản 5, khoản 6 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ
...
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
b) Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều này;
b) Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm b khoản 1 Điều này;
c) Lập hóa đơn ghi ngày trên hóa đơn trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế;
d) Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm c khoản 1 Điều này;
đ) Lập hóa đơn điện tử khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế;
e) Lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh;
g) Lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
h) Lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định, trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập hóa đơn theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4, khoản 5 Điều này khi người mua có yêu cầu.
Như vậy, người bán không xuất hóa đơn khi bán hàng sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.
Trường hợp không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất thì bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải lập hóa đơn theo quy định nếu người mua yêu cầu.
Lưu ý: Mức phạt tiền quy định trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân (bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức)
- Khi mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in thì phải có những loại giấy tờ nào?
- 15 mẫu lời chúc Giáng Sinh bằng tiếng Anh ngắn gọn? Mua quà Giáng sinh nhưng xuất hóa đơn sau có được không?
- Lễ Vọng Giáng sinh là ngày nào? Làm việc vào ca đêm lễ Vọng Giáng sinh có phải tính thuế TNCN không?
- Lời chúc các chú bộ đội hải quân ngắn gọn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam? Sĩ quan quân đội quyết toán thuế TNCN thế nào?
- Dịch vụ chữa bệnh chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng bao nhiêu từ ngày 1/7/2025?
- Mức lương tối thiểu vùng 2025 là bao nhiêu? Cách tính thu nhập tính thuế TNCN từ tiền lương tiền công?
- Thủ tục khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải từ năm 2025 như thế nào?
- Lãi suất ngân hàng cho vay của ngân hàng có tính thuế TNDN không? Lãi suất ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2025 là bao nhiêu?
- Từ 01/01/2025, thời gian tính tiền chậm nộp tiền thuế được quy định như thế nào?
- Áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu ra sao?