Cho tôi hỏi thủ tục thực hiện tái cơ cấu lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như thế nào? - chị Minh Trang (Vĩnh Long)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giải đáp như sau:
Việc thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế được quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:
"Điều 13. Thay đổi cơ cấu, công nghệ và lý do kinh tế
1. Thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động gồm các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
b) Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;
c) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động."
Pháp luật lao động cho phép người sử dụng lao động thực hiện cắt giảm nhân sự, tuy nhiên, việc này không được tiến hành tùy tiện mà phải phù hợp với quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động 2012. Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Xây dựng phương án sử dụng lao động có sự tham gia của Công đoàn cơ sở, trong đó nêu rõ những lao động tiếp tục được sử dụng để làm việc, những lao động cần đào tạo lại; những người lao động nghỉ hưu; những lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; những lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động; biện pháp thực hiện phương án và các khoản chi phí phát sinh.
Bước 2: Trao đổi với Công đoàn cơ sở về việc cho thôi việc đối với người lao động. Trường hợp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện trách nhiệm này.
Bước 3: Thông báo bằng văn bản cho Sở LĐTBXH trong vòng 30 ngày trước khi tiến hành thôi việc. Nội dung thông báo bao gồm:
- Tổng số lao động; số lao động cho thôi việc;
- Lý do cho người lao động thôi việc; thời điểm người lao động thôi việc;
- Kinh phí dự kiến chi trả trợ cấp mất việc làm.
Bước 4: Trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động 2012 cho những lao động bị cho thôi việc
Trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
Thời hạn thanh toán: trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, trong các trường hợp đặc biệt sau thì không quá 30 ngày:
- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;
- Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo Điều 44 của Bộ luật lao động hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo Điều 45 của Bộ luật lao động.
Chuyên viên Hồng Thuận