Logo

...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...

Dịch bệnh có được xem là trường hợp bất khả kháng trong giao dịch dân sự không?

17:17 25/04/20

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hợp đồng dân sự, kinh doanh thương mại được ký kết không thể thực hiện được. Nhiều khách hàng đã gửi câu hỏi về cho THƯ VIỆN PHÁP LUẬT như sau: Dịch bệnh có được xem là trường hợp bất khả kháng trong giao dịch dân sự không?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật Dân sự 2015:

"Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép."

Theo đó, dịch bệnh là sự kiện khách quan, tuy nhiên, để được xem là sự kiện bất khả kháng thì phải chứng minh là các bên đã lường trước được hay chưa? Đã dùng mọi biện pháp và khả năng cho phép để khắc phục hay chưa? Nếu đáp ứng được "điều kiện đủ" này thì dịch bệnh mới được xem là sự kiện bất khả kháng trong giao dịch dân sự.

Giả sử, dịch bắt đầu tư tháng 01/2020, đến tháng 02/2020, theo kế hoạch trước đó A muốn mở khách sạn, tuy biết là có dịch nhưng A vẫn muốn kinh doanh vì nghĩ dịch bệnh sẽ không lan rộng. Do đó, A thỏa thuận thuê nhà của B. Đến nay, khách sạn không thể hoạt động vì không có khách thì A không thể lấy dịch bệnh ra làm lý do để không thanh toán tiền thuê nhà được, vì bản chất là A có thể lường trước được nhưng vẫn chấp nhận ký kết hợp đồng trong thời gian có dịch bệnh.

Vì vậy, dịch bệnh là điều kiện cần nhưng các bên không đáp ứng được điều kiện đủ theo phân tích ở trên thì không thể đương nhiên xem dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng.

Chuyên viên HTPL Minh Thư

3,079