Từ ngày 01 - 10/04/2018, nhiều chính sách mới về tài chính, sở hữu trí tuệ, giao thông đường thủy, trái phiếu, cổ phiếu… chính thức có hiệu lực, đơn cử như:
>> Tổng hợp điểm mới văn bản nổi bật có hiệu lực trong tháng 4/2018
1. Sử dụng bản ghi âm với mục đích thương mại phải trả tiền
Ngày 23/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan (Nghị định 22/2018/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/4/2018).
Theo đó, Nghị định quy định rõ về việc khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình như sau:
- Tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 33 Luật SHTT đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.
- Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả ủy quyền có trách nhiệm xây dựng danh mục hội viên, tác phẩm và chịu trách nhiệm khi ký hợp đồng với tổ chức đại diện nhận ủy quyền.
- Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả nhận ủy quyền chỉ có trách nhiệm đàm phán thu tiền nhuận bút theo danh mục hội viên, tác phẩm được quy định tại hợp đồng ủy quyền.
2. Không giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt để trả lương cho NLĐ
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 21/2017/TT-NHNN quy định phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng của Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 29/12/2017.
Theo đó, tổ chức tín dụng cho vay được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong các trường hợp:
- Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
- Khách hàng là bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.
Và việc giải ngân vốn cho vay để trả lương cho người lao động không còn thuộc trường hợp xem xét giải ngân vốn cho vay theo phương thức bằng tiền mặt như quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 3 Thông tư 09/2012/TT-NHNN nữa.
3. Làm đêm, làm thêm giờ được quy định trong mức chi hợp lý
Thông tư 13/2018/TT-BTC quy định về các nội dung chi, mức chi cho các đối tượng:
- Tổ chức hội nghị trong nước, công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước;
- Công tác phí cho cán bộ đi công tác ở nước ngoài;
- Chi làm đêm, làm thêm giờ.
Thông tư 13/2018/TT-BTC sẽ có hiệu lực vào ngày 02/04/2018 và thay thế cho Thông tư 129/2013/TT-BTC ban hành ngày 18/09/2013.
4. Sửa đổi hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng
Theo Thông tư 22/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/4/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ có 7 tài khoản thuộc Mục II - Hệ thống tài khoản kế toán được sửa đổi là 20; 41; 275; 387; 419; 994; 996 và bổ sung 2 tài khoản cấp III như sau:
- Tài khoản 9823 – lãi cho vay theo hợp đồng vốn thuộc tài khoản 982 (cho vay theo hợp đồng vốn).
- Tài khoản 9833 – lãi hoạt động cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác thuộc tài khoản 983 (cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác).
Ngoài ra, vấn đề hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng sửa đổi nội dung: Vàng tại TCTD được hạch toán tương tự như ngoại tệ (vàng được coi là một loại ngoại tệ), đơn vị là “chỉ” vàng 99,99%.
5. Không còn cụm từ “phí phát hành” và “phí thanh toán”
Ngày 01/04/2018 Thông tư 15/2018/TT-BTC quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính Phủ, trái phiếu được Chính Phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, các cụm từ “phí phát hành”, “phí thanh toán” tại các quy định của pháp luật trước đó không còn nữa mà thay vào đó bằng cụm từ “chi phí phát hành” và “chi phí thanh toán”.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng bãi bỏ phí phát hành, phí thanh toán gốc, lãi trái phiếu được bảo lãnh đối với doanh nghiệp và ngân hàng chính sách.
6. Tàu, thuyền không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải Việt Nam phải đi đúng tuyến luồng
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 16/2018/NĐ-CP về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/04/2018.
Theo đó, tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý hoặc tàu quân sự và các loại tàu thuyền khác không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam để vào cảng biển Việt Nam phải hành trình đúng tuyến luồng và thực hiện thủ tục tàu thuyền theo quy định.
Bên cạnh đó, tàu thuyền đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam nhưng không đến cảng biển Việt Nam thì thuyền trưởng của tàu thuyền đó phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải khu vực biết về lý do, mục đích tàu thuyền vào nội thủy Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
- Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu;
- Tránh, trú bão;
- Thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền đã cứu được trên biển;
- Khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn hàng hải đối với tàu thuyền;
- Các trường hợp cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, một vài quy định mới về giáo dục, quy chế tuyển sinh mới năm nay, quy định về cháy nổ,… sắp sửa có hiệu lực trong tháng 4, như:
Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ giáo dục ban hành;
Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT về sửa đổi quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc,…