Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 3/2023 tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề và người lao động như: tiêu chuẩn trở thành Chấp hành viên Thi hành án Quân đội, NLĐ được tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật hay thay đổi giờ chuẩn giảng tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và nhiều chính sách khác.
1. Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động
Ngày 30/11/2022 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
Cụ thể mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại quy định như sau:
Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau:
- Mức 1: 13.000 đồng.
- Mức 2: 20.000 đồng.
- Mức 3: 26.000 đồng.
- Mức 4: 32.000 đồng.
(So với Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH mức bồi dưỡng đã tăng mức 1 lên thêm 3.000 đồng, mức 2 lên 5.000 đồng, mức 3 lên 6.000 đồng, mức 4 lên 7.000 đồng)
Đối với NLĐ đủ các điều kiện, mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:
- Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng.
- Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.
- Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
2. Tiêu chuẩn chấp hành viên Thi hành án Quân đội
Cụ thể, chấp hành viên Ngành Thi hành án Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ có tiêu chuẩn như sau:
(1) Tiêu chuẩn chấp hành viên sơ cấp
Chấp hành viên sơ cấp phải có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Đồng thời, có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên sơ cấp.
(2) Tiêu chuẩn chấp hành viên trung cấp
Phải có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên trung cấp.
(3) Tiêu chuẩn chấp hành viên cao cấp
Phải là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu; có trình độ cao cấp lý luận chính trị; có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên cao cấp.
3. Quy định 10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý ngành ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 21/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng.
Cụ thể, xác định 10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong ngành ngân hàng trong các đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
Căn cứ xác định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 62/2020/NĐ-CP.
Trong đó, nêu rõ 10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng gồm:
- Chủ tịch Hội đồng quản lý.
- Thành viên Hội đồng quản lý.
- Tổng giám đốc.
- Phó Tổng giám đốc.
- Trường phòng và tương đương.
- Phó Trưởng phòng và tương đương.
- Giám đốc chi nhánh.
- Phó giám đốc chi nhánh.
- Trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh.
- Phó trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh.
4. Thay đổi giờ chuẩn giảng tại trường giáo dục thường xuyên
Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH sửa đổi các Thông tư quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành.
Giờ chuẩn là đơn vị thời gian quy đổi từ số giờ lao động cần thiết trước, trong và sau giờ giảng để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến. Một giờ chuẩn giảng dạy trực tuyến được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp.
- Một giờ chuẩn được tính đối với giảng dạy lý thuyết không quá 35 học viên, học sinh, sinh viên.
- Đối với giảng dạy thực hành, tích hợp không quá 18 học viên, học sinh, sinh viên.
- Đối với giảng dạy các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành không quá 10 học viên, học sinh, sinh viên.
Căn cứ vào số học viên, học sinh, sinh viên cụ thể của lớp học thì có thể quy đổi giờ chuẩn đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm của từng ngành, nghề.
Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn, trong đó:
- Một giờ dạy lý thuyết là 45 phút được tính bằng 01 giờ chuẩn.
- Một giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 60 phút được tính bằng 01 giờ chuẩn.
- Một giờ dạy thực hành là 60 phút được tính bằng 01 giờ chuẩn.
Định mức giờ giảng được xác định là số giờ chuẩn cho mỗi nhà giáo phải giảng dạy, được quy định theo năm học.
(Quy định mới đã bổ sung một giờ chuẩn giảng dạy trực tuyến được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp).
5. 07 vị trí công tác lĩnh vực KH&CN tại địa phương định kỳ chuyển đổi từ ngày 15/3/2023
Bộ KH&CN có Thông tư 20/2022/TT-BKHCN ngày 30/12/2023 quy định Danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ tại chính quyền địa phương.
Tại Thông tư quy định danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực KH&CN phải thực hiện định kỳ chuyển đổi tại chính quyền địa phương bao gồm:
(1) Quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN
- Tiếp nhận, xử lý hồ sơ xác định, đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
- Tiếp nhận, xử lý hồ sơ thẩm định kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
- Kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện và sau nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
- Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
(2) Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ
- Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư theo quy định pháp luật;
- Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, cấp giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ.
(3) Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân
- Quản lý và thực hiện việc tiếp nhận khai báo, thẩm định an toàn, cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế.
- Cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X- quang chẩn đoán trong y tế.
(4) Hoạt động sở hữu trí tuệ
Thẩm định cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật.
(5) Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng
- Thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy phép trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo quy định;
- Thẩm định cấp giấy xác nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân; Thẩm định hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia của tổ chức, doanh nghiệp bước Hội đồng sơ tuyển.
(6) Thẩm định, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi các giấy chứng nhận
Thẩm định, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Thẩm định hồ sơ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ; cấp giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ.
(7) Hợp tác, trao đổi khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài.
6. Cơ cấu tổ chức của trường phổ thông dân tộc bán trú
Đây là nội dung tại Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT ngày 06/02/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành bởi Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, cơ cấu tổ chức của trường phổ thông dân tộc bán trú được quy định như sau:
Cơ cấu tổ chức của trường PTDTBT thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông. Ngoài ra, mỗi trường có thêm một Tổ quản lý học sinh bán trú để thực hiện nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.
Tổ quản lý học sinh bán trú có tổ trưởng, nếu có từ 7 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng. Tổ quản lý học sinh bán trú có những nhiệm vụ sau:
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Tổ chức sinh hoạt ít nhất 01 lần trong 02 tuần để rà soát, triển khai nhiệm vụ của tổ và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.