Theo đó, tiêu chuẩn đăng kiểm viên đường sắt từ ngày 01/6/2024 bao gồm:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm;
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm;
- Hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt;
- Có thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt tối thiểu 12 tháng. Trường hợp có thời gian làm việc liên quan đến quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông đường sắt cộng dồn tối thiểu 36 tháng (căn cứ theo hợp đồng lao động và hồ sơ bảo hiểm xã hội) thì thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt tối thiểu 06 tháng.
Hiện nay, tiêu chuẩn đăng kiểm viên đường sắt bao gồm:
- Tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành đầu máy, toa xe, tàu điện metro, kỹ thuật hệ thống đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt;
- Ngoại ngữ: Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
- Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật;
- Đạt yêu cầu trong kỳ đánh giá Đăng kiểm viên đường sắt trước khi công nhận Đăng kiểm viên đường sắt;
- Có thời gian tập huấn, thực tập nghiệp vụ Đăng kiểm viên đường sắt đủ 01 (một) năm trở lên.
Xem chi tiết tại Thông tư 08/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
Các Quyết định công nhận đăng kiểm viên đường sắt, đăng kiểm viên đường sắt bậc cao đã được công nhận theo Thông tư 19/2018/TT-BGTVT tiếp tục được duy trì đến ngày hết hiệu lực của Quyết định công nhận;
Đối với học viên thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt chưa được công nhận trước ngày Thông tư 08/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thì thời gian thực tập được tính theo quy định của Thông tư 08/2024/TT-BGTVT , mốc thời gian được tính từ thời điểm bắt đầu thực tập theo thực tế.