1. Bỏ cấp chứng chỉ thiết kế an toàn phòng chống cháy nổ công trình
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Theo đó, các lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình gồm:
- Thiết kế kiến trúc công trình;
- Thiết kế kết cấu công trình dân dụng - công nghiệp;
- Thiết kế cơ - điện công trình;
- Thiết kế cấp - thoát nước công trình;
- Thiết kế xây dựng công trình giao thông; thiết kế xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.
(Không còn cấp chứng chỉ hành nghề cho các lĩnh vực: thiết kế thông gió - cấp thoát nhiệt; thiết kế an toàn phòng chống cháy nổ công trình)
Nghị định 100/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2018.
2. Tiêu chí thương nhân được hưởng chế độ Luồng Xanh
Ngày 29/6/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 15/2018/TT-BCT quy định về phân luồng trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi.
Để được áp dụng chế độ Luồng Xanh, thương nhân cần có các tiêu chí:
- Thương nhân được Bộ Công Thương công nhận là DN xuất khẩu uy tín; hoặc
- Thương nhân được Bộ Tài chính công nhận là DN ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan; hoặc
- Thương nhân đáp ứng các điều kiện:
+ Tuân thủ pháp luật: không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất trước thời điểm đề nghị xét duyệt chế độ Luồng Xanh;
+ Lưu trữ hồ sơ: có hệ thống lưu trữ hồ sơ đầy đủ để đảm bảo chứng minh tính xác thực của C/O và xuất xứ hàng hóa trong thời hạn lưu trữ theo quy định Nghị định 31/2018/NĐ-CP ;
+ Kinh nghiệm sử dụng C/O ưu đãi: thực hiện quy trình khai báo C/O điện tử qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử và có tần suất đề nghị cấp ít nhất 30 bộ C/O ưu đãi/năm.
Thông tư 15/2018/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2018.
3. Quyết định mới về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/8/2018.
Theo đó, Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp:
- Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U;
- Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;
- Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;
- Ngành cấp 4 gồm 486 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;
- Ngành cấp 5 gồm 734 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.
Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận, trong đó:
- Bao gồm: Những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế;
- Loại trừ: Những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác.
Quyết định 10/2007/QĐ-TTg hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định 27 có hiệu lực.
4. Phê duyệt phương án đơn giản hóa ĐKKD ngành Ngân hàng
Quyết định 1417/QĐ-NHNN phê duyệt phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 09/7/2018.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của một số hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng, đơn cử như:
- Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với ngân hàng thương mại cổ phần;
- Thành lập chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại;
- Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam;
- Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;…
Tham khảo chi tiết tại Quyết định 1417/QĐ-NHNN năm 2018.