1. Các cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa
Theo Thông tư 10/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 46/2016/TT-BGTVT quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa thì:
- Luồng đường thủy nội địa được chia thành 7 cấp kỹ thuật, bao gồm: cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, cấp IV, cấp V và cấp VI.
- Cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa xác định theo Tiêu chuẩn Việt Nam về phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.
- Các tuyến đường thủy nội địa kết nối với các tuyến hành lang vận tải, tuyến vận tải chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được áp cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa là đồng cấp hoặc giảm cấp so với các tuyến hành lang vận tải, tuyến vận tải chính đó.
Thông tư 10/2021/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ 15/6/2021.
2. Quy định mức chi thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 29/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đó, việc thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định các mức chi cụ thể, trong đó đơn cử như:
- Chi tổ chức họp thẩm định sách giáo khoa gồm có như chi thuê hội trường, phòng họp, trang thiết bị phục vụ cho các cuộc họp thẩm định (nếu có), bao gồm thuê thiết bị công nghệ thông tin, máy in, máy photocopy…
- Chi thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ cho thành viên Hội đồng thẩm định trong quá trình họp thẩm định:
Trường hợp cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức họp thẩm định sách giáo khoa không bố trí được phương tiện, không có điều kiện bố trí chỗ nghỉ cho thành viên Hội đồng thẩm định mà phải đi thuê thì được chi theo mức chi tại Thông tư 40/2017/TT-BTC .
- Chi giải khát giữa giờ: Áp dụng mức chi nước uống tổ chức các cuộc hội nghị theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BTC .
- Chi tiền công họp thẩm định: Tối đa 200.000 đồng/người/buổi đối với Chủ tịch Hội đồng thẩm định và tối đa 150.000 đồng/người/buổi đối với Phó Chủ tịch, ủy viên, thư ký Hội đồng thẩm định.
- Chi tiền công đọc thẩm định tài liệu trước phiên họp cho thành viên Hội đồng thẩm định: tối đa 50.000 đồng/tiết/người.
Thông tư 29/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 15/6/2021.
3. Nội dung công khai trong tuyển sinh vào Công an nhân dân
Bộ Công an ban hành Thông tư 44/2021/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong tuyển sinh vào Công an nhân dân.
Theo đó, các thông tin sau phải được công khai trong tuyển sinh vào Công an nhân dân:
- Quy định về chỉ tiêu, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển, phương thức tuyển sinh, ngành, chuyên ngành đào tạo, các môn thi tuyển sinh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
- Thủ tục hồ sơ, mức thu dịch vụ tuyển sinh đối với các trình độ, loại hình đào tạo của các trường Công an nhân dân.
- Thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ, thời gian thi tuyển, xét tuyển, địa điểm thi tuyển, xét tuyển, thời gian chiêu sinh, nhập học, thông tin cán bộ tuyển sinh.
- Kết quả sơ tuyển, phúc tra sơ tuyển, điểm thi, điểm phúc khảo, điểm xét tuyển cho thí sinh; kết quả xét tuyển và thí sinh trúng tuyển (theo số báo danh).
- Các nội dung khác (nếu có) theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Thông tư 44/2021/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ 16/6/2021.