Khoan hồng là gì? Chính sách khoan hồng trong Luật Cạnh tranh 2018

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/03/2024 16:00 PM

Cho tôi hỏi khoan hồng là gì? Và pháp luật quy định như thế nào về chính sách khoan hồng trong Luật Cạnh tranh 2018? - Minh Tiến (Cà Mau)

Khoan hồng là gì? Chính sách khoan hồng trong Luật Cạnh tranh 2018

Khoan hồng là gì? Chính sách khoan hồng trong Luật Cạnh tranh 2018 (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khoan hồng là gì?

Khoan hồng có thể hiểu là cụm từ chỉ việc đối xử rộng lượng với người có tội. Hiện hành, theo quy định của pháp luật về hình sự thì có nhiều chính sách liên quan đến khoan hồng, đơn cử như:

- Phạt tù cho hưởng án treo;

- Cải tạo không giam giữ;

- Hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt;

- Đặc xá;

- Miễn chấp hành hình phạt;

- Giảm hình phạt đã tuyên;

- Tha tù trước thời hạn có điều kiện…

2. Chính sách khoan hồng trong Luật Cạnh tranh 2018 

Căn cứ Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về chính sách khoan hồng khi xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh như sau: 

(1) Doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm quy định tại Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018 được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

(2) Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

(3) Việc miễn hoặc giảm mức xử phạt quy định tại (1) được thực hiện trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018;

+ Tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra;

+ Khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm;

+ Hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.

(4) Quy định tại (1) không áp dụng đối với doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận.

(5) Chính sách khoan hồng áp dụng cho không quá 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại (3).

(6) Căn cứ xác định doanh nghiệp được hưởng khoan hồng được quy định như sau:

+ Thứ tự khai báo;

+ Thời điểm khai báo;

+ Mức độ trung thực và giá trị của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp.

(7) Việc miễn, giảm mức phạt tiền được thực hiện như sau:

+ Doanh nghiệp đầu tiên có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại (3)  được miễn 100% mức phạt tiền;

+ Doanh nghiệp thứ hai và thứ ba có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại (3) lần lượt được giảm 60% và 40% mức phạt tiền.

* Theo Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như sau:

- Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

- Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

- Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

- Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

- Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.

- Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.

- Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.

- Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

- Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.

- Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.

- Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

* Theo Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm như sau:

- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018.

- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018.

- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 450

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn