Hướng dẫn lập kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
15/03/2024 16:45 PM

Xin cho tôi hỏi lập kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động được thực hiện như thế nào? - Minh Thành (Nghệ An)

Hướng dẫn lập kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động như thế nào?

Căn cứ Điều 3 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH quy định về tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động như sau:

- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề quy định tại Điều 8 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động áp dụng bắt buộc việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc.

- Việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động thực hiện vào các thời Điểm sau đây:

+ Đánh giá lần đầu khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh;

+ Đánh giá định kỳ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh ít nhất 01 lần trong một năm, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Thời Điểm đánh giá định kỳ do người sử dụng lao động quyết định;

+ Đánh giá bổ sung khi thay đổi về nguyên vật liệu, công nghệ, tổ chức sản xuất, khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.

- Việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động thực hiện theo các bước sau đây:

+ Lập kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Triển khai đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Tổng hợp kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Hướng dẫn lập kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động

Theo Điều 4 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH việc lập kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động cần đảm bảo các nội dung sau đây:

- Xác định Mục đích, đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện cho việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động.

- Lựa chọn phương pháp nhận diện, phân tích nguy cơ và tác hại các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.

- Phân công trách nhiệm cho các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất (nếu có) và cá nhân trong cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động.

- Dự kiến kinh phí thực hiện.

3. Tự kiểm tra an toàn vệ sinh lao động được quy định như thế nào?

- Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Nội dung, hình thức và thời hạn tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động chủ động quyết định theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH.

Phụ lục 1

- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề quy định tại Điều 8 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra toàn diện ít nhất 01 lần trong 06 tháng ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 01 lần trong 03 tháng ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất hoặc tương đương.

- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề khác với ngành nghề quy định tại Điều 8 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra toàn diện ít nhất 01 lần trong một năm ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 01 lần trong 06 tháng ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất hoặc tương đương.

(Điều 9 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH)

4. Không lập kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn lao động bị phạt bao nhiêu?

Theo khoản 6 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không xây dựng kế hoạch và triển khai, tổng hợp đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm mức phạt tiền bằng 02 lần đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Như vậy, đối với hành vi không lập kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn lao động, người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng, trong khi đó, người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 451

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn