Công ty bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức quy định bị phạt như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
15/03/2024 13:30 PM

Xin cho tôi hỏi công ty bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức quy định bị phạt như thế nào? - Phối Nghi (Hải Dương)

Công ty bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức quy định bị phạt như thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng nào được bồi dưỡng bằng hiện vật?

Theo quy định tại Điều 24 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có nêu:

Người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật.

Đồng thời, khoản 1 Điều 2 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định những đối tượng được bồi dưỡng bằng hiện vật bao gồm:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

- Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

2. Mức bồi dưỡng bằng hiện vật hiện nay là bao nhiêu?

Tại Điều 4 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau:

- Mức 1: 13.000 đồng;

- Mức 2: 20.000 đồng;

- Mức 3: 26.000 đồng;

- Mức 4: 32.000 đồng.

Theo đó, đối với người lao động đủ các điều kiện theo quy định, mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:

- Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng;

- Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng;

- Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

3. Công ty bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức quy định bị phạt như thế nào?

Căn cứ khoản 8 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định như sau:

- Từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, buộc người sử dụng lao động trả cho người lao động khoản bồi dưỡng bằng hiện vật được quy thành tiền theo đúng mức quy định đối với hành vi không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại.

Lưu ý: Mức phạt quy định nêu trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

4. Công ty có được trả bằng tiền thay cho chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật?

Tại Điều 5 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể như sau:

- Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trường hợp người lao động làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động.

- Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.

- Khuyến khích người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (13.000 đồng) đối với người lao động không làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định nhưng đang làm việc trong điều kiện lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo quy định nêu trên.

- Chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 200

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn