Quy định xây dựng và thực tập phương án chữa cháy

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
20/02/2024 12:39 PM

Xin hỏi việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy được pháp luật quy định như thế nào? - Văn Tài (Hà Nội)

Chữa cháy bao gồm các công việc gì?

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định cáy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường.

Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy.

Quy định xây dựng và thực tập phương án chữa cháy

Quy định xây dựng và thực tập phương án chữa cháy (Hình từ internet)

Quy định xây dựng và thực tập phương án chữa cháy

Căn cứ khoản 20 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 quy định về việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình, chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ đối với thôn, cơ sở, rừng, phương tiện giao thông.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy xây dựng, thực tập phương án chữa cháy cho cơ sở, khu dân cư do mình quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an.

- Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần huy động lực lượng, phương tiện của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương.

- Phương án chữa cháy phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ.

Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy

Căn cứ Điều 33 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 và khoản 22 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 quy định trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy như sau:

- Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.

- Lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình.

- Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.

- Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.

- Ủy ban nhân dân các địa phương giáp ranh phải xây dựng phương án phối hợp và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy khi có yêu cầu.

Những công việc khắc phục hậu quả vụ cháy

Căn cứ Điều 40 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định khắc phục hậu quả vụ cháy gồm những việc sau đây:

- Tổ chức cấp cứu ngay người bị nạn; cứu trợ, giúp đỡ người bị thiệt hại ổn định đời sống;

- Thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội;

- Nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có cơ sở bị cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện các công việc nêu trên.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 880

Bài viết về

lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn