Các trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
24/01/2024 08:30 AM

Cho tôi hỏi các trường hợp nào thì khi chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép? - Mỹ Hằng (Hậu Giang)

Các trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép

Các trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cây xanh đô thị là gì?

Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 64/2010/NĐ-CP thì cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị.

2. Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị

Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP như sau:

- Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm;

- Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn;

- Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.

3. Các trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép

Các trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP gồm:

- Cây xanh thuộc danh mục cây bảo tồn;

- Cây bóng mát trên đường phố;

- Cây bóng mát; cây bảo tồn; cây đã được đánh số, treo biển trong công viên, vườn hoa, các khu vực công cộng và các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình;

- Cây bóng mát có chiều cao từ 10 m trở lên; cây bảo tồn trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân.

4. Các trường hợp được miễn giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị 

Các trường hợp được miễn giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP là chặt hạ ngay cho tình thế khẩn cấp, do thiên tai hoặc cây đã chết, đã bị đổ gãy. 

Trước khi chặt hạ, dịch chuyển phải có biên bản, ảnh chụp hiện trạng và phải báo cáo lại cơ quan quản lý cây xanh đô thị chậm nhất trong vòng 10 ngày kể từ ngày thực hiện xong.

5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị theo khoản 4 Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP bao gồm:

- Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị;

- Sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển;

- Ảnh chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.

6. Quy định về bảo vệ cây xanh đô thị

Quy định về bảo vệ cây xanh đô thị theo Điều 13 Nghị định 64/2010/NĐ-CP như sau:

- Cây xanh đô thị phải được giữ gìn, bảo vệ và kiểm tra thường xuyên.

- Mọi tổ chức và cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh trong đô thị đồng thời thông báo cho Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý để có biện pháp xử lý.

- Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý có trách nhiệm tổ chức bảo vệ, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm về cây xanh đô thị; tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh đô thị có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị có trách nhiệm bảo vệ cây xanh đô thị trên địa bàn được giao theo hợp đồng với cơ quan quản lý cây xanh đô thị theo phân cấp.

7. Quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị

Quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị theo Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP như sau:

- Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.

- Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.

- Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 361

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn