Quan hệ hôn nhân được tính từ lúc cưới hay đăng ký kết hôn?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
10/10/2023 17:00 PM

Xin cho tôi hỏi quan hệ hôn nhân được tính từ lúc cưới hay đăng ký kết hôn? Điều kiện đăng ký kết hôn hiện nay gồm những gì? - Bảo Yến (Đồng Nai)

Quan hệ hôn nhân được tính từ lúc cưới hay đăng ký kết hôn? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quan hệ hôn nhân được tính từ lúc cưới hay đăng ký kết hôn?

Theo Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 27 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch. 

Trường hợp không xác định được ngày, tháng đăng ký kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân được công nhận từ ngày 01 tháng 01 của năm đăng ký kết hôn trước đây.

Tuy nhiên, đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.

Như vậy, theo quy định nêu trên quan hệ hôn nhân được tính từ ngày đăng ký kết hôn và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch. 

Trường hợp không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 thì quan hệ hôn nhân được tính từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.

2.  Điều kiện đăng ký kết hôn hiện nay

Căn cứ theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau:

+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

3. Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

- Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

- Quy định nêu trên cũng được áp dụng để cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu.

(Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,188

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn