Ai là người đại diện trong hòa giải tại tòa án?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
13/09/2023 17:38 PM

Tôi muốn hỏi hòa giải tại Tòa án là gì ? Ai là người đại diện trong hòa giải tại tòa án? – Thúy Nhi (An Giang)

Ai là người đại diện trong hòa giải tại tòa án?

Ai là người đại diện trong hòa giải tại tòa án? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ai là người đại diện trong hòa giải tại tòa án?

Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.

Trong đó, người đại diện bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

(Khoản 2 và khoản 8 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020)

Cụ thể:

- Người đại diện theo pháp luật bao gồm:

(i) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

(ii) Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

(iii) Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại (i) và (ii).

(iv) Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

(Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015)

- Người đại diện theo ủy quyền:

+ Cá nhân có thể ủy quyền cho cá nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

+ Các thành viên hộ gia đình có thể thỏa thuận cử cá nhân đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình.

+ Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

(Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015)

Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Cụ thể tại Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định về các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

(1) Quyền hạn

- Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại;

- Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 tham gia hòa giải, đối thoại;

- Lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể lựa chọn Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

- Đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;

- Tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hòa giải, đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn;

- Yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại giữ bí mật thông tin do mình cung cấp;

- Bày tỏ ý chí, đề xuất phương thức, giải pháp giải quyết tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại;

- Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

- Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành;

- Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.

(2) Nghĩa vụ

- Tuân thủ pháp luật;

- Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình hòa giải, đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Hòa giải viên;

- Chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại; nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thi kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu;

Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

- Tôn trọng Hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của Hòa giải viên theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;

- Chấp hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

- Thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,256

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]