Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông trong ngân hàng thương mại cổ phần

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
26/08/2023 12:59 PM

Tôi muốn biết các cổ đông phổ thông trong ngân hàng thương mại cổ phần có các quyền và nghĩa vụ như thế nào? – Quốc Bảo (Tây Ninh)

Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông trong ngân hàng thương mại cổ phần

Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông trong ngân hàng thương mại cổ phần (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ngân hàng thương mại cổ phần là gì?

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2010 nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Trong đó, ngân hàng thương mại cổ phần là ngân hàng thương mại được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần. (Khoản 3 Điều 2 Thông tư 40/2011/TT-NHNN)

2. Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông trong ngân hàng thương mại cổ phần

Theo quy định, ngân hàng thương mại cổ phần phải có cổ phần phổ thông và người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

(Khoản 1 Điều 52 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)

2.1. Quyền của cổ đông phổ thông

Cổ đông phổ thông trong tổ chức tín dụng cổ phần có các quyền sau đây:

- Tham dự và phát biểu ý kiến trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.

- Được nhận cổ tức theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

- Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong tổ chức tín dụng.

- Được chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông khác của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân khác theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

- Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác.

- Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ của tổ chức tín dụng, sổ biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

- Được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần sở hữu tại tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng giải thể hoặc phá sản.

- Được ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình; người được ủy quyền không được ứng cử với tư cách của chính mình.

- Được ứng cử, đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc theo quy định của pháp luật nếu Điều lệ của tổ chức tín dụng không quy định.

Danh sách ứng cử viên phải được gửi tới Hội đồng quản trị theo thời hạn do Hội đồng quản trị quy định.

(Điều 53 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)

3.2. Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông

Cụ thể tại Điều 54 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) quy định về các nghĩa vụ của cổ đông phổ thông trong tổ chức tín dụng cổ phần như sau:

(1) Cổ đông của tổ chức tín dụng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

- Thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua trong thời hạn do tổ chức tín dụng quy định; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức tín dụng trong phạm vi vốn cổ phần đã góp vào tổ chức tín dụng;

- Không được rút vốn cổ phần đã góp ra khỏi tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của tổ chức tín dụng;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại tổ chức tín dụng;

Không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức tín dụng; không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật

- Tuân thủ Điều lệ và các quy chế quản lý nội bộ của tổ chức tín dụng;

- Chấp hành nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị;

- Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành kinh doanh và các giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

(2) Cổ đông nhận ủy thác đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác phải cung cấp cho tổ chức tín dụng thông tin về chủ sở hữu thực sự của số cổ phần mà mình nhận ủy thác đầu tư trong tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng có quyền đình chỉ quyền cổ đông của các cổ đông này trong trường hợp phát hiện họ không cung cấp thông tin xác thực về chủ sở hữu thực sự các cổ phần.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,822

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]