Ai bắt buộc tham gia Hội nghị chủ nợ khi mở thủ tục phá sản?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
28/07/2023 19:00 PM

Xin hỏi ai bắt buộc tham gia Hội nghị chủ nợ khi mở thủ tục phá sản? Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ quy định thế nào? - Minh Thiên (Đồng Nai)

Ai bắt buộc tham gia Hội nghị chủ nợ khi mở thủ tục phá sản? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Những người có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ khi mở thủ tục phá sản

Theo Điều 77 Luật Phá sản năm 2014 quy định những người sau đây có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ:

- Chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ. Chủ nợ có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ và người được ủy quyền có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;

- Đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền; trường hợp này đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;

- Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; trường hợp này người bảo lãnh trở thành chủ nợ không có bảo đảm.

2. Ai bắt buộc tham gia Hội nghị chủ nợ khi mở thủ tục phá sản?

Nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ được quy định tại Điều 78 Luật Phá sản năm 2014 như sau:

- Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại Điều 5 Luật Phá sản năm 2014, chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ; 

Trường hợp không tham gia được thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ và người được ủy quyền có quyền, nghĩa vụ như người ủy quyền.

- Trường hợp người đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cố ý vắng mặt không có lý do chính đáng thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ khi mở thủ tục phá sản

Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ như sau:

- Có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Chủ nợ không tham gia Hội nghị chủ nợ nhưng có ý kiến bằng văn bản gửi cho

Thẩm phán trước ngày tổ chức Hội nghị chủ nợ, trong đó ghi rõ ý kiến về những nội dung quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Phá sản năm 2014 thì được coi như chủ nợ tham gia Hội nghị chủ nợ.

- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được phân công giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải tham gia Hội nghị chủ nợ.

(Điều 79 Luật Phá sản năm 2014)

4. Hoãn Hội nghị chủ nợ khi mở thủ tục phá sản khi nào?

(i) Hội nghị chủ nợ được hoãn nếu không đáp ứng các điều kiện quy định tại mục 3 nêu trên; trường hợp hoãn Hội nghị chủ nợ thì Thẩm phán lập biên bản và ghi ý kiến của người tham gia Hội nghị chủ nợ. Thẩm phán phải thông báo ngay trong ngày hoãn Hội nghị chủ nợ cho người tham gia thủ tục phá sản về việc hoãn Hội nghị chủ nợ.

(ii) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoãn Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán phải triệu tập lại Hội nghị chủ nợ.

(iii) Trường hợp triệu tập lại Hội nghị chủ nợ theo quy định tại khoản (ii) mà vẫn không đáp ứng quy định tại mục 3 nêu trên thì Thẩm phán lập biên bản và quyết định tuyên bố phá sản.

(Điều 80 Luật Phá sản năm 2014)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,283

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn