Các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
19/05/2023 16:00 PM

Cho tôi hỏi những trường hợp nào thì sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành? - Khiết Vinh (TPHCM)

Các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành

Các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành là gì?

Theo khoản 9 Điều 3 Luật Du lịch 2017 thì kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.

2. Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành

Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành theo Điều 30 Luật Du lịch 2017 như sau:

- Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.

- Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật Du lịch 2017.

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

3. Các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành

Theo khoản 1 Điều 36 Luật Du lịch 2017 thì doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp sau đây:

- Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;

- Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch 2017:

+ Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:

++ Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

++ Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;

++ Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

+ Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:

++ Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

++ Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;

++ Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

- Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Du lịch 2017:

+ Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

+ Thay đổi phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

- Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;

- Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;

- Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;

- Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 37 Luật Du lịch 2017, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch:

Áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn, rủi ro xảy ra với khách du lịch và có biện pháp khắc phục hậu quả.

- Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,958

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn