Tổng hợp các chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp với người dân bị thiệt hại do thiên tai

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
17/09/2024 09:15 AM

Sau đây là các chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp với người dân bị thiệt hại do thiên tai theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

Tổng hợp các chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp với người dân bị thiệt hại do thiên tai

Tổng hợp các chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp với người dân bị thiệt hại do thiên tai (Hình từ Internet)

1. Thiên tai là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (sửa đổi 2020) thì thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

2. Tổng hợp các chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp với người dân bị thiệt hại do thiên tai

Từ Điều 12 đến Điều 17 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về các chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp người dân bị thiệt hại do thiên tai như sau:

* Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước:

- Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 01 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc hộ thiếu đói dịp Tết âm lịch. Hỗ trợ không quá 3 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ cho đối tượng thiếu đói do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác từ nguồn lực của địa phương và nguồn dự trữ quốc gia.

- Hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu:

Đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu thì được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia: lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ.

- Thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định sau đây:

+ Trưởng thôn, bản, phum, sóc, ấp, cụm, khóm, tổ dân phố (sau đây gọi chung là Trưởng thôn) lập danh sách hộ gia đình và số người trong hộ gia đình thiếu đói, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu cần hỗ trợ theo các Mẫu số 5a và 5b ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP;

Mẫu số 05a
Mẫu số 05b

+ Trưởng thôn chủ trì hợp với đại diện của các tổ chức có liên quan trong thôn để xem xét các trường hợp hộ gia đình, số người trong hộ gia đình thiếu đói, nhu yếu phẩm thiết yếu trong danh sách và hoàn thiện, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

+ Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Trưởng thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định cứu trợ ngay những trường hợp cấp thiết. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính;

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp thiếu nguồn lực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính;

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia;

+ Khi nhận được hỗ trợ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện ngay việc trợ giúp cho đối tượng bảo đảm đúng quy định;

+ Kết thúc mỗi đợt hỗ trợ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả hỗ trợ.

* Hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng:

- Người bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc do các lý do bất khả kháng khác tại nơi cư trú được xem xét hỗ trợ với mức tối thiểu bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 76/2024/NĐ-CP) (500.000 đồng/tháng).

10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội = 5.000.000 đồng

Trình tự xem xét hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

- Trường hợp người bị thương nặng ngoài nơi cư trú quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 20/2021/NĐ-CP mà không có người thân thích chăm sóc thì cơ quan, tổ chức trực tiếp cấp cứu, chữa trị có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cấp cứu, chữa trị cho đối tượng quyết định hỗ trợ theo mức quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

* Hỗ trợ chi phí mai táng:

- Hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí mai táng với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 76/2024/NĐ-CP) (500.000 đồng/tháng).

50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội = 25.000.000 đồng

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng cho người chết quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 20/2021/NĐ-CP do không có người nhận trách nhiệm tổ chức mai táng thì được xem xét, hỗ trợ chi phí mai táng theo chi phí thực tế, tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 76/2024/NĐ-CP) (500.000 đồng/tháng).

- Thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng thực hiện theo quy định sau đây:

+ Cơ quan, tổ chức, gia đình hoặc cá nhân trực tiếp mai táng có Tờ khai đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP và giấy báo tử của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 20/2021/NĐ-CP hoặc xác nhận của công an cấp xã đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14  Nghị định 20/2021/NĐ-CP gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

Mẫu số 04

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi nhận được đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Trường hợp thiếu kinh phí thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

* Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở:

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ.

- Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối thiểu 30.000.000 đồng/hộ.

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ.

- Thủ tục xem xét hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở thực hiện theo quy định sau đây:

+ Hộ gia đình có Tờ khai đề nghị hỗ trợ về nhà ở theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

Mẫu số 06

+ Trình tự xem xét hỗ trợ về nhà ở thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

* Hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác:

- Trẻ em có cả cha và mẹ chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng được hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 20/2021/NĐ-CP:

+ Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;

+ Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế;

+ Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.

- Thủ tục hỗ trợ trẻ em quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 20/2021/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

* Hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất:

- Hộ gia đình có người là lao động chính bị chết, mất tích hoặc hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất chính do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác dẫn đến mất việc làm thì được xem xét trợ giúp tạo việc làm, phát triển sản xuất theo quy định hiện hành.

-Trường hợp đặc biệt khẩn cấp, nghiêm trọng, việc hỗ trợ các nội dung quy định tại các Điều 12, 13 và 14 Nghị định 20/2021/NĐ-CP thực hiện theo quy trình, thủ tục do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định, bỏ qua bước bình xét, bảo đảm chi trả cho đối tượng kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức, công khai và minh bạch.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 34

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn