Quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia súc, gia cầm nuôi

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
10/05/2023 08:00 AM

Cho tôi hỏi về quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia súc, gia cầm nuôi được quy định thế nào? - Thanh Duy (Long An)

Quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia súc, gia cầm nuôi

Quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia súc, gia cầm nuôi (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các loại gia súc, gia cầm nuôi phải kiểm soát giết mổ 

Theo mục 1 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT thì các loại gia súc, gia cầm nuôi phải kiểm soát giết mổ gồm:

- Các loại gia súc nuôi: Trâu, bò, dê, cừu, lợn;

- Các loại gia cầm nuôi: Gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, đà điểu;

2. Quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia súc, gia cầm nuôi

2.1. Quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia súc nuôi

Quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia súc nuôi theo Điều 5 và Điều 6 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (sửa đổi tại Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT) như sau:

* Kiểm tra trước giết mổ các loại gia súc nuôi:

- Kiểm tra hồ sơ, sổ sách ghi chép nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ của cơ sở giết mổ; Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định.

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định vệ sinh đối với người tham gia giết mổ;

- Kiểm tra lâm sàng động vật:

+ Phải được tiến hành tại khu vực chờ giết mổ, có đủ ánh sáng;

+ Quan sát các biểu hiện lâm sàng của động vật: Trường hợp phát hiện động vật có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, phải cách ly động vật và kiểm tra lại toàn đàn. Mọi trường hợp động vật có dấu hiệu bất thường đều phải được đánh dấu, tách riêng, theo dõi và xử lý theo quy định tại Điều 12 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT;

+ Chỉ cho phép giết mổ gia súc đáp ứng yêu cầu tại Điều 4 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT, được lưu giữ tại khu vực chờ giết mổ để bảo đảm gia súc trở về trạng thái bình thường và đã được kiểm tra lâm sàng trước khi giết mổ;

+ Đối với động vật lưu giữ chưa giết mổ sau 24 giờ, phải tái kiểm tra lâm sàng.

- Lập sổ theo dõi và ghi chép những thông tin cần thiết trước giết mổ bao gồm:

+ Tên chủ động vật;

+ Nơi xuất phát của động vật;

+ Loại động vật;

+ Số lượng động vật trong cùng một lô;

+ Thời gian nhập;

+ Kết quả kiểm tra trước khi giết mổ (triệu chứng lâm sàng, thân nhiệt của động vật trong trường hợp có biểu hiện bất thường);

+ Số lượng, lý do động vật chưa được giết mổ;

+ Biện pháp xử lý;

+ Chữ ký của nhân viên thú y.

- Kiểm tra việc thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ ở cơ sở giết mổ trước khi giết mổ theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thú y (sau đây viết tắt là cơ quan thú y) quy định tại QCVN 01- 150:2017/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư 13/2017/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y.

* Kiểm tra sau giết mổ các loại gia súc nuôi:

- Thực hiện khám đầu, phủ tạng (phổi, tim, gan, thận, lách, dạ dày, ruột) và khám thân thịt để phát hiện các dấu hiệu bất thường, dấu hiệu bệnh lý. Quy trình kiểm tra theo hướng dẫn cụ thể tại mục 4 và mục 5 của Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT.

Phụ lục III

- Kiểm tra thân thịt, phủ tạng sau giết mổ phải được tiến hành ngay sau khi tách phủ tạng, rửa sạch thân thịt và hạn chế tối đa làm thay đổi phẩm chất của thân thịt trong quá trình kiểm tra. Vết cắt trên thân thịt phải chính xác ở vị trí cần kiểm tra, thực hiện cắt dọc để hạn chế diện tích tiếp xúc của thân thịt với môi trường ngoài.

- Trong trường hợp phát hiện thấy có dấu hiệu bệnh tích ở thân thịt, phủ tạng, phải đánh dấu, tách riêng và đưa tới khu xử lý để kiểm tra lại lần cuối trước khi đưa ra quyết định xử lý; đóng dấu “XỬ LÝ V.S.T.Y” hoặc dấu “HỦY” sau khi có quyết định xử lý đối với sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.

- Thân thịt và phủ tạng của cùng một con gia súc phải được đánh dấu giống nhau để tránh nhầm lẫn; phủ tạng phải được kiểm tra tuần tự từng bộ phận để phát hiện những dấu hiệu bất thường.

- Đóng dấu kiểm soát giết mổ, dán tem vệ sinh thú y hoặc đánh dấu kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với thân thịt, phủ tạng, phụ phẩm ăn được bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển sản phẩm động vật theo quy định.

- Kiểm tra việc thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ ở cơ sở giết mổ sau khi giết mổ theo hướng dẫn của cơ quan thú y quy định tại QCVN 01-150.

2.2. Quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia cầm nuôi

Quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia cầm nuôi theo Điều 7 và Điều 8 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (sửa đổi tại Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT) như sau:

* Kiểm tra trước giết mổ các loại gia cầm nuôi:

- Thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b, d khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 5 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (sửa đổi tại Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT).

- Việc kiểm tra lâm sàng tình trạng sức khoẻ của gia cầm thực hiện tại nơi có đủ ánh sáng và khi được treo lên dây chuyền giết mổ (đối với cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp) nhằm phát hiện gia cầm quá yếu, còi cọc hoặc gia cầm có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm để có các biện pháp xử lý thích hợp.

- Sau khi kiểm tra lâm sàng, gia cầm khoẻ mạnh phải sớm được đưa vào giết mổ.

* Kiểm tra sau giết mổ các loại gia cầm nuôi:

- Khám thân thịt và phủ tạng: Quy trình kiểm tra theo hướng dẫn cụ thể tại mục 6 của Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT.

Phụ lục III

- Việc kiểm tra sau giết mổ thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 6 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (sửa đổi tại Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT); thân thịt và phủ tạng của từng con gia cầm phải được để cùng nhau, tránh nhầm lẫn.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,822

Bài viết về

lĩnh vực An toàn thực phẩm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn