Tải App trên Android

Trình tự, thủ tục bầu cử trong Đảng mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
19/01/2023 08:00 AM

Cho tôi hỏi về trình tự và thủ tục bầu cử trong Đảng hiện nay được quy định như thế nào? - Như Ngọc (Tây Ninh)

Trình tự, thủ tục bầu cử trong Đảng mới nhất

Trình tự, thủ tục bầu cử trong Đảng mới nhất

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc bầu cử trong Đảng

Theo Điều 1 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 244-QĐ/TW ngày 09/6/2014 thì nguyên tắc bầu cử trong Đảng như sau:

Việc bầu cử trong Đảng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán. Kết quả bầu cử từ chi bộ đến đảng bộ trực thuộc Trung ương phải được chuẩn y của cấp uỷ có thẩm quyền theo quy định.

2. Trình tự, thủ tục bầu cử trong Đảng mới nhất

Trình tự, thủ tục bầu cử trong Đảng theo Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30 và Điều 31 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 244-QĐ/TW ngày 09/6/2014 như sau:

* Bầu cấp uỷ:

- Đoàn chủ tịch đại hội báo cáo với đại hội về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng của cấp uỷ khoá mới do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị; đại hội thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy khóa mới, biểu quyết về số lượng cấp uỷ viên (theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên về khung số lượng cấp uỷ viên ở mỗi đảng bộ).

- Đoàn chủ tịch đại hội đề cử danh sách nhân sự do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị.

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử, đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo đại hội xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của đại hội đối với các trường hợp ứng cử, được đề cử (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử; lấy biểu quyết của đại hội thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

- Đoàn chủ tịch giới thiệu danh sách ban kiểm phiếu gồm một trưởng ban và một số uỷ viên là những đại biểu không có tên trong danh sách bầu cử. Đại hội biểu quyết thông qua danh sách ban kiểm phiếu.

- Ban kiểm phiếu hướng dẫn cách thức bỏ phiếu; kiểm tra và niêm phong thùng phiếu trước khi bỏ phiếu; phát phiếu bầu cử cho đại biểu. Đại hội tiến hành bầu cử; ban kiểm phiếu tiến hành kiểm tổng số phiếu phát ra, thu về báo cáo đại hội; kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử cấp uỷ khoá mới.

- Bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng cấp uỷ khoá mới, có bầu tiếp hoặc không bầu tiếp do đại hội xem xét, quyết định.

- Đại hội chi bộ trực tiếp bầu chi uỷ, sau đó bầu bí thư, phó bí thư trong số chi uỷ viên; nơi không bầu chi uỷ thì chi bộ bầu bí thư, nếu cần thì bầu phó bí thư chi bộ.

- Đại hội đảng bộ từ cấp cơ sở đến đảng bộ trực thuộc Trung ương, nếu thực hiện việc bầu trực tiếp chức danh bí thư thì sau khi bầu cử cấp ủy, tiến hành lấy phiếu giới thiệu của đảng viên hoặc đại biểu của đại hội đối với chức danh bí thư; 

Tổng hợp phiếu giới thiệu, báo cáo với cấp uỷ cấp trên trước khi tiến hành bầu cử chức danh bí thư. Sau khi cấp uỷ cấp trên có ý kiến chỉ đạo mới tiến hành bầu cử chức danh bí thư.

* Bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên:

- Khi bầu đại biểu dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên, danh sách bầu đại biểu chính thức và dự khuyết được lập chung một danh sách; bầu đại biểu chính thức trước, số còn lại bầu đại biểu dự khuyết. 

Trường hợp bầu đại biểu chính thức đã đủ số lượng mà vẫn còn một số đại biểu có số phiếu được bầu nhiều hơn một nửa so với số đảng viên được triệu tập hoặc nhiều hơn một nửa so với số đại biểu được triệu tập, thì đại biểu dự khuyết được lấy trong số các đại biểu đó theo kết quả được bầu từ cao xuống thấp. 

Nếu còn thiếu đại biểu dự khuyết theo quy định, có bầu tiếp hay không bầu tiếp do đại hội quyết định.

- Danh sách bầu cử lần sau có giới thiệu bổ sung đại biểu ngoài danh sách bầu cử lần trước hay không do đại hội quyết định.

* Bầu đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch hội nghị ở phiên họp đầu tiên của cấp uỷ khoá mới:

- Đồng chí bí thư hoặc phó bí thư khoá trước được tái cử hoặc đồng chí được cấp uỷ cấp trên ủy nhiệm (nếu bí thư, phó bí thư khóa trước không tái cử) làm triệu tập viên, khai mạc và chủ trì phiên họp cho đến khi bầu xong đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch hội nghị. 

Riêng ở Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 244-QĐ/TW ngày 09/6/2014.

- Bầu đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch hội nghị với số lượng từ 1 đến 3 đồng chí; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương là 5 đồng chí.

- Đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch hội nghị (sau đây gọi chung là đoàn chủ tịch) báo cáo để cấp uỷ thông qua chương trình làm việc và tiến hành các thủ tục bầu cử.

* Bầu ban thường vụ:

Số lượng uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ được bầu thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên, nhiều nhất không quá 1/3 số lượng cấp uỷ viên do đại hội đã bầu.

- Đoàn chủ tịch hội nghị báo cáo về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu và đề nghị số lượng uỷ viên ban thường vụ cần bầu.

- Hội nghị cấp uỷ thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu ban thường vụ, biểu quyết số lượng uỷ viên ban thường vụ.

- Đoàn chủ tịch báo cáo danh sách những đồng chí được cấp ủy khóa trước giới thiệu vào ban thường vụ khóa mới.

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Họp tổ để thảo luận (nếu cần).

- Đoàn chủ tịch báo cáo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử ban thường vụ.

- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

* Bầu bí thư, phó bí thư cấp uỷ:

Những đồng chí ứng cử hoặc được đề cử vào danh sách để bầu giữ chức vụ bí thư, phó bí thư phải là những đồng chí đã trúng cử uỷ viên ban thường vụ; nơi không có ban thường vụ thì những đồng chí ứng cử, được để cử giữ chức vụ bí thư, phó bí thư phải là những đồng chí đã trúng cử cấp ủy viên.

Số lượng phó bí thư được bầu ở mỗi cấp uỷ thực hiện theo quy định của Trung ương và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên.

- Đoàn chủ tịch hội nghị báo cáo về yêu cầu bầu bí thư, phó bí thư.

- Đoàn chủ tịch báo cáo với hội nghị những đồng chí được cấp ủy khóa trước và cấp ủy cấp trên trực tiếp giới thiệu để được bầu giữ chức bí thư, phó bí thư; báo cáo kết quả phiếu giới thiệu của đại hội đối với chức danh bí thư (nếu có).

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Đoàn chủ tịch báo cáo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người tự ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử; hội nghị biểu quyết danh sách bầu cử bí thư, phó bí thư.

- Bầu cử (bầu bí thư trước, bầu phó bí thư sau).

- Kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

Sau khi được bầu, bí thư điều hành ngay công việc của cấp uỷ khoá mới, được ký văn bản với chức danh bí thư; bí thư khóa trước bàn giao công việc cho bí thư mới trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi có bí thư mới. 

Trường hợp chưa bầu được chức danh bí thư thì một đồng chí phó bí thư được cấp ủy ủy nhiệm ký các văn bản với chức danh phó bí thư.

* Bầu uỷ ban kiểm tra:

Uỷ ban kiểm tra các cấp được lập từ đảng uỷ cơ sở trở lên, do hội nghị cấp uỷ cùng cấp bầu; thành viên ủy ban kiểm tra gồm một số đồng chí trong cấp ủy và một số đồng chí ngoài cấp ủy. Đại hội chi bộ (đảng ủy bộ phận) không bầu ủy ban kiểm tra mà phân công chi ủy viên hoặc đảng viên làm công tác kiểm tra.

- Đoàn chủ tịch hội nghị báo cáo với hội nghị về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng uỷ viên uỷ ban kiểm tra theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và cấp uỷ cấp trên trực tiếp để hội nghị xem xét, quyết định.

- Hội nghị thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, biểu quyết số lượng uỷ viên ủy ban kiểm tra.

- Đoàn chủ tịch báo cáo với hội nghị danh sách những đồng chí được cấp ủy khóa trước giới thiệu để bầu ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và ý kiến của ban thường vụ khóa mới.

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

- Bầu uỷ viên uỷ ban kiểm tra trước, sau đó bầu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra.

- Kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

- Uỷ ban kiểm tra bầu phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra đã được bầu.

Sau khi được bầu, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra điều hành ngay công việc của uỷ ban kiểm tra khoá mới, được ký các văn bản với chức danh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

* Bầu Bộ Chính trị:

- Phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư khóa trước (tái cử hoặc không tái cử) làm triệu tập viên khai mạc và chủ trì cho đến khi bầu xong Đoàn Chủ tịch hội nghị.

Trường hợp đồng chí Tổng Bí thư khóa trước không thể làm triệu tập viên thì Đoàn Chủ tịch Đại hội cử triệu tập viên.

- Đoàn Chủ tịch Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương báo cáo về đề án và đề nghị số lượng Ủy viên Bộ Chính trị cần bầu.

- Hội nghị thảo luận, biểu quyết về số lượng Ủy viên Bộ Chính trị.

- Đoàn Chủ tịch báo cáo danh sách những đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước đề cử vào Bộ Chính trị.

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Họp tổ để thảo luận.

- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người từ ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử Bộ Chính trị.

- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

* Bầu Tổng Bí thư:

- Đoàn chủ tịch báo cáo về yêu cầu, tiêu chuẩn Tổng Bí thư và dự kiến nhân sự Tổng Bí thư được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước giới thiệu, ý kiến giới thiệu của Bộ Chính trị khóa mới, kết quả giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư của Đại hội để hội nghị tham khảo.

- Họp tổ để thảo luận và tiến hành ứng cử, đề cử.

- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

* Bầu Ban Bí thư:

- Đồng chí Tổng Bí thư thay mặt Đoàn Chủ tịch Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương báo cáo về đề án và đề nghị số lượng Ủy viên Ban Bí thư cần bầu.

- Hội nghị thảo luận, biểu quyết về số lượng Ủy viên Ban Bí thư.

- Đoàn Chủ tịch báo cáo danh sách những đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước đề cử vào Ban Bí thư.

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Họp tổ để thảo luận.

- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người tự ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử Ban Bí thư.

- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

* Bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương:

- Đoàn Chủ tịch báo cáo về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương để hội nghị xem xét, quyết định.

- Hội nghị tiến hành biểu quyết về số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

- Đoàn Chủ tịch đề cử danh sách do Bộ Chính trị khóa trước giới thiệu bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ý kiến của Bộ Chính trị khóa mới.

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bàu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử; hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

* Bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương:

- Đoàn Chủ tịch báo cáo về yêu cầu, tiêu chuẩn Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước dự kiến giới thiệu (nếu có) và ý kiến giới thiệu của Bộ Chính trị khóa mới.

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với các trường hợp tự ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

* Bầu bổ sung uỷ viên ban thường vụ; bí thư, phó bí thư, uỷ viên uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra:

- Đoàn chủ tịch báo cáo về yêu cầu bầu bổ sung ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; uỷ viên uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ.

- Đoàn chủ tịch báo cáo danh sách những đồng chí được ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy cấp trên trực tiếp giới thiệu để được bầu bổ sung vào ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với các trường hợp tự ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

* Bầu Tổng Bí thư (khi có yêu cầu); bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương:

- Đoàn Chủ tịch Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương báo cáo về yêu cầu bầu Tổng Bí thư; bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức (chuyển từ dự khuyết lên chính thức), Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

- Đoàn Chủ tịch báo cáo danh sách những đồng chí được Bộ Chính trị giới thiệu để được bầu làm Tổng Bí thư; bầu bổ sung làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

- Tiến hành ứng cử, đề cử.

- Họp tổ để thảo luận (nếu cần).

- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người tự ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).

- Lập danh sách bầu cử; hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,273

Bài viết về

lĩnh vực Đảng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]