Tổ hợp tác là gì? Điều kiện trở thành thành viên tổ hợp tác

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
15/12/2022 10:27 AM

Tổ hợp tác là gì? Điều kiện trở thành thành viên tổ hợp tác được quy định như thế nào?

Tổ hợp tác là gì? Điều kiện trở thành thành viên tổ hợp tác

Tổ hợp tác là gì? Điều kiện trở thành thành viên tổ hợp tác

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tổ hợp tác là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 77/2019/NĐ-CP thì tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

2. Quyền và nghĩa vụ của tổ hợp tác

Quyền và nghĩa vụ của tổ hợp tác theo Điều 5 và Điều 6 Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định như sau:

2.1. Quyền của tổ hợp tác

- Tổ hợp tác có tên riêng.

- Tự do hoạt động, kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân để mở rộng hoạt động, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định của Nghị định 77/2019/NĐ-CP, Điều 508 Bộ luật Dân sự và pháp luật khác có liên quan.

- Được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như các hợp tác xã.

- Quyền khác theo quy định của hợp đồng hợp tác, Bộ luật Dân sự và pháp luật khác có liên quan.

2.2. Nghĩa vụ của tổ hợp tác

- Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức, cá nhân khác và thành viên.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ đối với nhà nước, người lao động, tổ chức, cá nhân khác và thành viên.

- Thực hiện các quy định của hợp đồng hợp tác, Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan.

3. Điều kiện trở thành thành viên tổ hợp tác

Theo Điều 7 Nghị định 77/2019/NĐ-CP thì thành viên tổ hợp tác phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Cá nhân là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định từ Điều 16 đến Điều 24 Bộ luật Dân sự, quy định của Bộ luật Lao động và pháp luật khác có liên quan.

- Tổ chức là pháp nhân Việt Nam, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có năng lực pháp luật phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của tổ hợp tác.

- Tự nguyện gia nhập và chấp thuận nội dung hợp đồng hợp tác.

- Cam kết đóng góp tài sản, công sức theo quy định của hợp đồng hợp tác.

- Điều kiện khác theo quy định của hợp đồng hợp tác.

4. Quyền và nghĩa vụ của thành viên tổ hợp tác

Quyền và nghĩa vụ của thành viên tổ hợp tác theo Điều 8 và Điều 9 Nghị định 77/2019/NĐ-CP như sau:

4.1. Quyền của thành viên tổ hợp tác

- Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác.

- Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp đồng hợp tác, quản lý, giám sát hoạt động của tổ hợp tác.

- Rút khỏi tổ hợp tác khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác hoặc theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác.

- Các quyền khác theo quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan.

4.2. Nghĩa vụ của thành viên tổ hợp tác

- Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động của tổ hợp tác.

- Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Thực hiện các quy định trong hợp đồng hợp tác theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và bảo đảm lợi ích chung của tổ hợp tác.

- Góp đủ và đúng thời hạn tài sản, công sức đã cam kết tại hợp đồng hợp tác.

- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,518

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn