Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau và chế độ thai sản năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
05/01/2023 10:01 AM

Xin hỏi hiện nay hồ sơ hưởng chế độ ốm đau và chế độ thai sản được quy định như thế nào? - Thiên Ý (TP.HCM)

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau và chế độ thai sản năm 2023

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau và chế độ thai sản năm 2023

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau

Theo Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và điểm 2.1 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 quy định về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau như sau:

1.1. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau với người lao động

- Trường hợp điều trị nội trú:

+ Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.

+ Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính). Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

- Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ điều trị nội trú và ngoại trú được thay bằng bản sao của bản dịch tiếng Việt giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.

1.2. Hồ sơ đối với người sử dụng lao động

Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau: Danh sách 01B-HSB

Danh sách 01B-HSB

2. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH như sau:

2.1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản với người lao động

* Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai:

- Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.

- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

* Lao động nữ sinh con:

- Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.

- Trường hợp con chết sau khi sinh: Ngoài bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con; 

Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

- Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.

- Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm biên bản GĐYK của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.

- Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì có thêm một trong các giấy tờ sau:

+ Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.

+ Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.

+ Trường hợp phải giám định y khoa (GĐYK): Biên bản GĐYK.

- Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao của bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

* Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

* Lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con: 

- Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con; 

- Trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. 

Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

* Lao động nam hoặc người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con: 

Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con. 

Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

Trường hợp lao động nam đồng thời hưởng chế độ do nghỉ việc khi vợ sinh con và hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thì tiếp nhận một lần hồ sơ bao gồm:

- Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con;

- Trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. 

Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

* Đối với chế độ thai sản của người sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH do đã thôi việc, phục viên, xuất ngũ trước thời điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi:

- Hồ sơ theo quy định đối với lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi gồm bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi. 

Trường hợp nghỉ thai sản khi sinh con theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà các hồ sơ quy định tại đối với lao động nữ sinh con không thể hiện việc nghỉ dưỡng thai thì có thêm Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.

- Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK.

Lưu ý: Trường hợp này áp dụng cho cả trường hợp sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi trong thời gian đang đóng BHXH kể từ ngày 01/01/2018 trở đi nhưng đã thôi việc tại đơn vị mà có nguyện vọng nộp hồ sơ hưởng chế độ tại cơ quan BHXH).

2.2. Hồ sơ đối với người sử dụng lao động

Danh sách đề nghị hưởng chế độ thai sản: Danh sách 01B-HSB

Danh sách 01B-HSB

3. Thời hạn giải quyết chế độ ốm đau, chế độ thai sản

Thời hạn giải quyết chế độ ốm đau, chế độ thai sản theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, chế độ thai sản cho người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; đồng thời, xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

- Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:

+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

- Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 68,448

Bài viết về

Chế độ thai sản

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]