Tín phiếu Kho bạc và 4 điều cần biết

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
05/10/2022 11:01 AM

Cho tôi hỏi thế nào là tín phiếu Kho bạc? Tín phiếu Kho bạc được phát hành thông qua các phương thức nào? - Hoài Thu (Sóc Trăng)

Tín phiếu Kho bạc và 4 điều cần biết

Tín phiếu Kho bạc và 4 điều cần biết

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là tín phiếu Kho bạc?

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 111/2018/TT-BTC, tín phiếu Kho bạc là loại tín phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành theo quy định tại Nghị định 95/2018/NĐ-CPThông tư 111/2018/TT-BTC.

Cụ thể, tín phiếu Kho bạc có kỳ hạn chuẩn là 13 tuần, 26 tuần hoặc 52 tuần. Các kỳ hạn khác của tín phiếu Kho bạc do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định tùy theo nhu cầu sử dụng vốn và tình hình thị trường nhưng không vượt quá 52 tuần.

Đồng tiền phát hành, thanh toán tín phiếu Kho bạc là đồng Việt Nam với mệnh giá phát hành là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.

Hình thức tín phiếu bao gồm:

- Tín phiếu Kho bạc được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử tùy thuộc vào phương thức phát hành;

- Chủ thể tổ chức phát hành quyết định cụ thể về hình thức đối với mỗi đợt phát hành.

Phương thức thanh toán tín phiếu: Tín phiếu được thanh toán một lần cả gốc và lãi vào ngày đáo hạn.

(Khoản 1, 2, 3, 4, 7 Điều 11 Nghị định 95/2018/NĐ-CP)

2. Lãi suất phát hành tín phiếu Kho bạc

Cụ thể tại khoản 5 Điều 11 Nghị định 95/2018/NĐ-CP, lãi suất phát hành tín phiếu được quy định như sau:

- Đối với tín phiếu Kho bạc phát hành theo phương thức đấu thầu, lãi suất phát hành do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.

- Đối với tín phiếu Kho bạc phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất phát hành là lãi suất thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 95/2018/NĐ-CP, cụ thể:

Lãi suất tín phiếu Kho bạc phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là lãi suất thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trên cơ sở tham khảo lãi suất đấu thầu phát hành tín phiếu Kho bạc hoặc lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn còn lại tương đương tại thời điểm gần nhất.

3. Phương thức phát hành tín phiếu Kho bạc

Có hai phương thức phát hành tín phiếu Kho bạc:

- Đấu thầu phát hành tín phiếu Kho bạc theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 15 Nghị định 95/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(i) Đấu thầu phát hành là phương thức thông qua tổ chức đấu thầu về lãi suất cho đối tượng mua tín phiếu.

(ii) Nguyên tắc tổ chức đấu thầu:

+ Giữ bí mật mọi thông tin dự thầu của đối tượng tham gia đấu thầu.

+ Thực hiện công khai, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các đối tượng tham gia đấu thầu.

(iii) Đối tượng tham gia đấu thầu:

+ Nhà tạo lập thị trường theo quy định tại Mục 4 Chương II Nghị định 95/2018/NĐ-CP.

+ Các đối tượng khác quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 95/2018/NĐ-CP mua tín phiếu Kho bạc theo phương thức đấu thầu thông qua các nhà tạo lập thị trường.

(iv) Hình thức đấu thầu: Được thực hiện theo một trong hai hình thức sau:

+ Đấu thầu cạnh tranh lãi suất;

+ Đấu thầu kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất.

Trường hợp phiên đấu thầu được tổ chức theo hình thức này, tổng khối lượng tín phiếu phát hành không cạnh tranh lãi suất đảm bảo không vượt quá 30% tổng khối lượng tín phiếu gọi thầu trong phiên đấu thầu.

(v) Việc xác định kết quả đấu thầu được thực hiện theo một trong hai phương thức đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá.

Căn cứ vào sự phát triển của thị trường, Bộ Tài chính quyết định phương thức đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, chủ thể tổ chức phát hành trực tiếp tổ chức đấu thầu phát hành tín phiếu Kho bạc hoặc tổ chức đấu thầu thông qua Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính.

- Phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Điều 12 Nghị định 95/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(i) Trường hợp ngân sách trung ương thiếu hụt tạm thời, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng đề án phát hành tín phiếu Kho bạc trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong đó, đề án phát hành bao gồm các nội dung cơ bản sau:

+ Mục đích phát hành;

+ Khối lượng, kỳ hạn, hình thức tín phiếu;

+ Mệnh giá tín phiếu;

+ Lãi suất phát hành, thời điểm phát hành dự kiến;

+ Phương thức và nguồn thanh toán tín phiếu khi đáo hạn;

+ Đăng ký, lưu ký và niêm yết, giao dịch tín phiếu (nếu có).

(ii) Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về khối lượng, lãi suất, kỳ hạn cho từng đợt phát hành.

Trường hợp ngày phát hành và ngày đáo hạn tín phiếu Kho bạc không cùng một năm ngân sách thì thực hiện theo quy định về tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật ngân sách nhà nước 2015 và Điều 26 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.

(iii) Lãi suất tín phiếu Kho bạc phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là lãi suất thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trên cơ sở tham khảo lãi suất đấu thầu phát hành tín phiếu Kho bạc hoặc lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn còn lại tương đương tại thời điểm gần nhất.

(iv) Trên cơ sở thống nhất về khối lượng, lãi suất, kỳ hạn và thời điểm phát hành, Kho bạc Nhà nước ký hợp đồng bán tín phiếu trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong đó quy định các điều kiện, điều khoản của đợt phát hành bao gồm: khối lượng, kỳ hạn, lãi suất phát hành, ngày phát hành, giá bán, ngày thanh toán tiền mua, ngày đáo hạn, tài khoản nhận tiền mua tín phiếu, việc đăng ký, lưu ký và niêm yết, giao dịch tín phiếu (nếu có).

(v) Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán tiền mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngân sách nhà nước và thanh toán tín phiếu khi đáo hạn.

(Khoản 6 Điều 11 Nghị định 95/2018/NĐ-CP)

4. Đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch tín phiếu Kho bạc

Cụ thể tại Điều 13 Nghị định 95/2018/NĐ-CP, việc đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch tín phiếu Kho bạc được thực hiện như sau:

- Tín phiếu kho bạc phát hành theo phương thức đấu thầu được đăng ký, lưu ký và niêm yết, giao dịch theo quy định về đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch trái phiếu Chính phủ.

- Tín phiếu Kho bạc phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Kho bạc nhà nước.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,509

Bài viết về

lĩnh vực Chứng khoán

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn