Tự chủ là gì? Quy định về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
28/08/2022 09:00 AM

Các đơn vị sự nghiệp công lập muốn được tự chủ tài chính phải đảm bảo các điều kiện như thế nào? - Tấn Lộc (Khánh Hòa)

Quy định về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Quy định về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công  lập là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công, giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, phân loại mức độ tự chủ tài chính.

Ngoài ra, còn được tự chủ sử dụng nguồn tài chính, tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm những tổ chức nào?

Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:

Đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công).

Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công thuộc đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.

Đơn vị sự nghiệp công thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được áp dụng quy định tại Nghị định này và các quy định của Đảng và của pháp luật khác có liên quan.

Đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo Hiệp định và cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước hoặc tổ chức quốc tế thực hiện cơ chế tài chính theo cam kết, Điều ước quốc tế hoặc Quyết định đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

3. Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công được quy định tại Điều 9 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

* Đơn vị nhóm 1: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư

Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2021/NĐ-CP bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau:

+ Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kề;

+ Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.

- Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

* Đơn vị  nhóm 2: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên

Để bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2021/NĐ-CP bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

- Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

* Đơn vị nhóm 3: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên

Về việc bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập phải có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2021/NĐ-CP từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau:

- Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

* Đơn vị nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên

Các đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên bao gồm:

- Đơn vị sự nghiệp công lập có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2021/NĐ-CP dưới 10%;

- Đơn vị sự nghiệp công lập không có nguồn thu sự nghiệp.

Xem thêm: Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được quy định thế nào?

Thanh Rin

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 73,165

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]