Chính sách mới >> Tham nhũng 21/07/2023 11:20 AM

19 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ theo Quy định 114-QĐ/TW

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
21/07/2023 11:20 AM

Cho tôi hỏi trong công tác cán bộ thì những hành vi nào được xem là hành vi tham nhũng, tiêu cực? - Tuấn Hưng (Tiền Giang)

19 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ theo Quy định 114-QĐ/TW

19 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ theo Quy định 114-QĐ/TW (Hình từ Internet)

1. 19 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ theo Quy định 114-QĐ/TW

Theo Điều 3, 4 và 5 Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 thì hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gồm:

* Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn:

(1) Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

(2) Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

(3) Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

(4) Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.

(5) Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

(6) Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

(7) Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

(8) Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

* Hành vi chạy chức, chạy quyền:

(1) Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

(2) Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.

(3) Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm... nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

(4) Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

(5) Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân.

(6) Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

* Các hành vi tiêu cực khác:

(1) Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự.

(2) Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.

(3.) Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ.

(4) Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực.

(5) Trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ.

2. Trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ theo Điều 12 Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 như sau:

- Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023; cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và các thành viên, người đứng đầu, cán bộ tham mưu, nhân sự thực hiện nghiêm quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023.

- Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

+ Phát hiện, tiếp nhận thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

+ Cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị mình.

+ Bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, cung cấp thông tin, tố cáo đúng các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; đồng thời, xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định.

- Cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của Nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,915

Bài viết về

Phòng chống tham nhũng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn