Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
25/03/2024 08:33 AM

Cho tôi hỏi về đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ mỗi tuần như thế nào? - Mỹ Ngọc (TPHCM)

Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học

Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học (Hình từ Internet)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Việc làm sửa đổi thay thế Luật Việc làm 2013.

Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học 

Theo đó, theo Điều 30 dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đề xuất quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên như sau:

- Học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật Việc làm sửa đổi được làm việc nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

- Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.

- Học sinh, sinh viên tham gia việc làm bán thời gian được bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

- Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.

* Khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đề xuất quy định người lao động là công dân Việt Nam có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp lao động chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Đề xuất các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực việc làm

Theo Điều 9 dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đề xuất các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực việc làm như sau:

- Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, xu hướng tình dục.

- Xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; Thực hiện hành vi bạo lực hoặc quấy rối, bao gồm bạo lực hoặc quấy rối trên cơ sở giới tính.

- Tuyển dụng, sử dụng người lao động vào làm việc trái quy định của pháp luật.

- Dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật.

- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện chính sách về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và sử dụng lao động trong các công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.

- Lợi dụng giao dịch việc làm điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp; sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định pháp luật; truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp; thông đồng, móc nối, bao che, cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân  thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về bảo hiểm thất nghiệp; xuyên tạc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

- Truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về lao động; Báo cáo sai sự thật; Cung cấp thông tin không chính xác về tình trạng việc làm.

Xem thêm dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.


 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,003

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn