iThong 12/07/2024 15:39 PM

Quyết định đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
12/07/2024 15:39 PM

Nội dung phê duyệt quyết định đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành tại Nghị quyết 138/2024/QH15.

Quyết định đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành

Quyết định đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành (Hình từ internet)

Ngày 28/6/2024, Quốc hội vừa đã thông qua Nghị quyết 138/2024/QH15 về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

Quyết định đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành

Cụ thể, Nghị quyết 138/2024/QH15 đưa ra một số một số nội dung về phê duyệt đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), đơn cử một số nội dung chính như sau:

* Mục tiêu:

Xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

* Phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư:

Đầu tư khoảng 128,8 km, chia thành 05 dự án thành phần; quy mô, hình thức đầu tư của từng dự án thành phần được xác định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết 138/2024/QH15.

Dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

* Công nghệ:

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

* Nhu cầu sử dụng đất:

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.111 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 12 ha; đất nông nghiệp khác khoảng 1.041 ha; đất ở khoảng 12 ha; đất rừng sản xuất khoảng 46 ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

* Sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn:

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 25.540 tỷ đồng (hai mươi lăm nghìn năm trăm bốn mươi tỷ đồng), bao gồm:

+ Vốn ngân sách trung ương là 10.536,5 tỷ đồng (mười nghìn năm trăm ba mươi sáu tỷ năm trăm triệu đồng), trong đó: nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 là 8.770 tỷ đồng (tám nghìn bảy trăm bảy mươi tỷ đồng), nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.766,5 tỷ đồng (một nghìn bảy trăm sáu mươi sáu tỷ năm trăm triệu đồng);

+ Vốn ngân sách địa phương là 2.233,5 tỷ đồng (hai nghìn hai trăm ba mươi ba tỷ năm trăm triệu đồng), trong đó: tỉnh Bình Phước là 1.233,5 tỷ đồng (một nghìn hai trăm ba mươi ba tỷ năm trăm triệu đồng), tỉnh Đắk Nông là 1.000 tỷ đồng (một nghìn tỷ đồng);

+ Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 12.770 tỷ đồng (mười hai nghìn bảy trăm bảy mươi tỷ đồng).

* Tiến độ thực hiện:

Thực hiện Dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

* Sơ bộ phương án tài chính của dự án thành phần 1:

Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoáng 6.842 tỷ đồng (sáu nghìn tám trăm bốn mươi hai tỷ đồng), chiếm 34,88% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 01; sơ bộ khung giá, phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo phương án tài chính của dự án thành phần 1; phương án tài chính sẽ được tính toán quyết định cụ thể theo quy định của pháp luật và kết quả đấu thầu khi thực hiện dự án thành phần 01.      

* Về tổ chức thực hiện                              

 - Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án;

- Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định;

- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần 2, 3, 4 được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm B theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 138/2024/QH15.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn