Thông tư 119 tháo gỡ bất cập về hai phương pháp tính thuế và hai loại hóa đơn cho Doanh nghiệp

12/09/2014 15:19 PM

Luật Thuế GTGT sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Một trong những điểm mới của Luật đó là quy định về đối tượng áp dụng phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp. Theo Luật thuế GTGT sửa đổi, phương pháp khấu trừ thuế được áp dụng cho 2 đối tượng là: Các DN có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên; Các DN đăng ký tự nguyện áp dụng.

Các DN thuộc đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp sẽ là các DN còn lại có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng nhưng không đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ.

Tuy nhiên, tại Nghị Định 209/2013/NĐ-CP, ngày 18/12/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, chi tiết và hướng dẫn thi hàng Luật thuế GTGT sửa đổi, lại quy định về các DN đăng ký tự nguyện áp dụng theo hình thức liệt kê: DN đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới một tỷ đồng; DN mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;DN mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

Với quy định này, đồng nghĩa với việc Nghị định đã giới hạn các DN đăng ký tự nguyện áp dụng. Không đơn giản là các DN làm thủ tục đăng ký tự nguyện áp dụng, mà còn kèm thêm điều kiện, đặc biệt là đối với các DN mới thành lập, sẽ chỉ có hai đối tượng được đăng ký tự nguyện tính theo phương pháp khấu trừ.

Tiếp theo Nghị định 209, Bộ Tài Chính đã ra Thông tư 219/2013/TT-BTC, ngày 31/12/2013, có hiệu lực ngày 01/01/2014. Theo đó, DN mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị theo hướng dẫn của Bộ Tài chính là DN mới thành lập, có thực hiện đầu tư, mua sắm TSCĐ, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên ghi trên hóa đơn (không bao gồm ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống của cơ sở kinh doanh không hoạt động vận tải, du lịch, khách sạn).

Quy định của Thông tư 219/2013/TT-BTC đã thu hẹp cửa cho các DN mới muốn đăng ký tính thuế theo phương pháp khấu trừ, chủ yếu là các DN nhỏ và vừa mới thành lập trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghệ cao vì đặc điểm của các DN này là không có nhu cầu đầu tư, mua sắm TSCĐ, máy móc, thiết bị giá trị cao.

Trên thực tế thì từ khi triển khai Thông tư 219/2013/TT-BTC đến nay, hầu như quy định đã không nhận được sự đồng tình của các DN mới. Có ba hậu quả chính được nêu ra: Lượng DN mới được thành lập giảm xuống; DN mới thành lập trong 2014 phải tính thuế theo phương pháp trực tiếp và dùng hóa đơn bán hàng thì chịu không nổi và muốn tạm ngưng hoặc giải thể; Một số DN phải nhờ xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng dưới tên DN khác, cá nhân chọn mua lại các DN cũ thay vì lập DN mới.

Vì sao khi lựa chọn giữa hai phương pháp tính thuế, các DN muốn đăng ký tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ? Đây cũng là vấn đề mà các nhà quản lý thuế, xây dựng luật và các DN dường như đã không cùng nhìn các khía cạnh của một vấn đề như nhau (xem bảng so sánh minh họa).

Phương pháp

Nhà quản lý thuế, xây dựng luật

Doanh nghiệp

Khấu trừ

- DN phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ là điều khó khăn với các DN mới thành lập, quy mô nhỏ.

- Nhiều DN “ma” được thành lập chỉ để mua bán hóa đơn GTGT, làm hồ sơ khấu trừ, hoàn thuế GTGT sai quy định.

- Việc phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ là không khó, và chi phí cũng không cao.

- DN được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, được hoàn thuế

- DN có hóa đơn GTGT đầu ra cho khách hàng là DN cần hóa đơn GTGT để khấu trừ thuế đầu vào.

Tính trực tiếp

- DN không cần phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ, không cần các hóa đơn GTGT ở đầu vào vì không được khấu trừ thuế.

- Nhà nước thu trực tiếp số thuế GTGT phải đóng = tỷ lệ % * doanh thu (tỷ lệ này chỉ từ 1% – 5%, tùy ngành).

- Nhà nước hạn chế tình trạng lập DN “ma” mua bán hóa đơn GTGT để hoàn thuế, khấu trừ thuế GTGT.

- Không được khấu trừ, hoàn thuế  GTGT đầu vào, phải đưa vào chi phí khoản thuế GTGT đầu vào có phát sinh, dẫn đến giá thành cao hơn hoặc lời ít hơn.

- Phải sử dụng hóa đơn bán hàng và đóng thuế GTGT đầu ra như hộ, cá nhân kinh doanh. Trong khi nhiều khách hàng là DN lại muốn có hóa đơn GTGT để khấu trừ thuế đầu vào của họ, nên không chọn nhà cung cấp là DN không có hóa đơn GTGT.

Bảng so sánh minh họa hai phương pháp tính thuế

Trong bảng so sánh trên, sự khác biệt lớn nhất giữa các DN khấu trừ thuế và các DN tính thuế trực tiếp chính là việc một bên sử dụng hóa đơn GTGT và một bên phải sử dụng hóa đơn bán hàng để cung cấp cho khách hàng. Đa phần các DN đang áp dụng phương pháp khấu trừ, nên thích mua hàng có hóa đơn GTGT để đem về khấu trừ thuế đầu vào. Các DN mới thành lập, nếu  áp dụng phương pháp tính trực tiếp và xuất hóa đơn bán hàng thì có lẽ chỉ có thể tìm kiếm đối tác là cá nhân, hộ kinh doanh hoặc những DN cũng đang áp dụng phương pháp tính trực tiếp như mình. Do đó mà khía cạnh thuận lợi của việc tính thuế theo phương pháp trực tiếp và sử dụng hóa đơn bán hàng để cung cấp cho khách hàng ngay tại thời điểm này đã không đạt hiệu quả như mong đợi lạc quan của nhà quản lý và làm luật.

Tháo gỡ vấn đề trên, mới đây, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC, ngày 25/7/2014, có hiệu lực từ 01/9/2014, sửa đổi thông tư 219/2013/TT-BTC cùng một số Thông tư khác của Bộ Tài chính. Theo đó, đã bỏ quy định về giá trị của tài sản cố định, máy móc, thiết bị mua sắm, đầu tư phải từ 1 tỷ đồng trở lên mà chỉ cần có đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh là có thể đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Đây là một giải pháp mở mà các DN mới mong đợi để có thể được bình đẳng trong việc lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT.

LS. Nguyễn An

(Theo Pháp lý)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 79,516

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn