Không đăng ký nghĩa vụ quân sự khi đủ 17 tuổi có thể bị phạt nặng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
03/09/2024 10:00 AM

Theo quy định thì công dân từ đủ 17 tuổi phải thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự. Do đó, công dân không đăng ký nghĩa vụ khi đủ 17 tuổi có thể bị phạt nặng theo quy định.

Không đăng ký nghĩa vụ quân sự khi đủ 17 tuổi có thể bị phạt nặng (Hình từ internet)

1. Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự

Theo Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì về đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:

- Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.

- Công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.

Như vậy, công dân nam đủ 17 tuổi trở lên sẽ thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự. Đối với công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân thì sẽ thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự.

2. Không đăng ký nghĩa vụ quân sự khi đủ 17 tuổi có thể bị phạt nặng

Theo Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định các mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự như sau: 

- Phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.

- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

(1) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định nêu trên;

(2) Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định;

(3) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;

(4) Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;

(5) Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.

Ngoài phạt tiền công dân còn phải buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (1); đăng ký nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (2); đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (3), điểm (4); đăng ký tạm vắng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (5).

Như vậy, tùy theo tính chất và mức độ thì người có hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt cao nhất lên đến 10.000.000 đồng.

3. Thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu

Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu được quy định tại Điều 4 Nghị định 13/2016/NĐ-CP như sau: 

- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện) ký Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự và giao cho Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là Ban Chỉ huy quân sự cấp xã) thực hiện.

- Hồ sơ đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu

+ Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

+ Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh (mang theo bản chính để đối chiếu).

- Trình tự thực hiện

+ Trước thời hạn 10 ngày, tính đến ngày đăng ký nghĩa vụ quân sự, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân;

+ Sau khi nhận được Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, công dân thuộc đối tượng quy định tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có trách nhiệm đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân, tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu tại nơi cư trú;

+ Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm đối chiếu bản gốc giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh; hướng dẫn công dân kê khai Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đăng ký các thông tin cần thiết của công dân vào Sổ danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân ngay sau khi đăng ký;

+ Trong thời hạn 10 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý hồ sơ công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh).

4. Đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự

Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Theo đó, 10 bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, không nhận vào quân thường trực, gồm:

TT

TÊN BỆNH

MÃ BỆNH ICD10

1

Tâm thần

F20 đến F29

2

Động kinh

G40

3

Bệnh Parkinson

G20

4

Mù một mắt

H54.4

5

Điếc

H90

6

Di chứng do lao xương khớp

B90.2

7

Di chứng do phong

B92

8

Các bệnh lý ác tính (U ác, bệnh máu ác tính)

C00 đến C97; D00 đến D09; D45 đến D47

9

Người nhiễm HIV

B20 đến B24; Z21

10

Người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng

 

(Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7

Bài viết về

Nghĩa vụ quân sự - Nghĩa vụ công an 2025

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn